Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona gây ra đang hoành hành ở Trung Quốc khiến tình hình tiêu thụ nông sản từ Việt Nam trong đó có thanh long đang gặp khó khăn.
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Long An (địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất miền Tây), hiện nay sản lượng thanh long tồn kho khoảng 1.900 tấn. Dự báo sản lượng thanh long thu hoạch toàn tỉnh (từ 28/1 đến 13/2) ước tính khoảng 63.000 tấn.
Trong khi đó, nhiều nông dân trồng thanh long tại huyện Châu Thành (Long An) cho biết, ngay từ mùng 2 Tết, họ nhận được tin các thương lái ngừng thu mua thanh long khiến họ như ngồi trên đóng lửa trong khi trái đến kỳ thu hoạch.
Trước tết, với giá từ 30.000 đến 37.000 đồng/kg nhiều thương lái vào tận vườn đặt cọc trước. Thế nhưng hiện tại không ít trường hợp chấp nhận bỏ cọc, không thu mua.
Nhiều vườn thanh long tại Long An đang trong thời kỳ thu hoạch.
Theo ghi nhận, nhiều kho thanh long tại Tiền Giang và Long An đóng cửa không thu mua hoặc thu mua cầm chừng.
Anh Võ Quốc Nghiêm (quản lý kho thu mua tại Long An) cho biết, để giải quyết khó khăn cho nông dân nơi này mua tạm trữ thanh long với giá 5.000 đến 6.000 đồng/kg.
“Kho lạnh chỉ cấp đông chưa tới 100 tấn. Tuy nhiên chỉ có thể cấp đông trong thời hạn 15 ngày là phải xuất kho vận chuyển sang Trung Quốc chứ không thể để lâu hơn được nữa”, anh Nghiêm thông tin.
Nhìn vườn thanh long đang chín, anh Nguyễn Thanh Hải (40 tuổi, ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Long An) cho biết, cả tuần nay anh mất hết tinh thần. Với giá thanh long thu mua trước Tết, anh ước tính 5 công thanh long của anh có thể thu về từ 100 đến 120 triệu đồng nhưng với tình cảnh hiện nay anh gần như mất trắng.
Anh Hải lo lắng nếu không chấp nhận bán với giá rẻ bèo thì số thanh long trong vườn cũng sẽ sớm hỏng.
“Tôi dự tính thu hoạch vào mùng 4 Tết. Mùng 2 thương lái thông báo không mua do bên Trung Quốc bệnh nên cửa khẩu đóng, hàng không đi được. Mấy hôm nay họ nói chỉ thu mua từ 3000 đến 4000 đồng/kg. Bán giá đó như hàng dạt trong khi đây là thanh long được xông đèn, quả to”, anh Hải buồn bã nói.
Ông Trần Anh Kiệt xịt thuốc dưỡng vườn thanh long trong tâm trạng chán nản.
Ông Trần Anh Kiệt (52 tuổi) cho biết, vừa dưỡng vườn thanh long sắp tới ngày thu hoạch vừa nghe ngóng thông tin khắp nơi: “Nhiều khi chán muốn bỏ luôn cho rồi. Chứ khi trái chín mà để lâu quá không bán được thì trái cũng tự động nứt rồi hỏng hết. Còn bán với giá mấy ngàn một kg không đủ tiền xông đèn với thuê nhân công hái nữa”.
Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An vừa có đề xuất UBND tỉnh này có chủ trương, chỉ đạo các ngân hàng (Ngân hàng chính xã hội tỉnh) có chính sách hỗ trợ vốn vay cho các cơ sở thu gom thanh long để thu mua, tạm trữ thanh long.
Đề nghị các cơ sở, doanh nghiệp có kho lạnh bảo quản hỗ trợ các hợp tác xã, thương lái để bảo quản thanh long trong thời điểm thu hoạch. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường trong nước (thông qua hệ thống các siêu thị)...