Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Virus corona gây bệnh viêm phổi ở Trung Quốc nguy hiểm thế nào?

(VTC News) -

Virus corona (nCoV) thuộc họ các virus gây ra các bệnh lý đường hô hấp từ nhẹ tới nặng, từ cảm lạnh thông thường tới các bệnh về viêm đường hô hấp cấp tính.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), coronaviruses (CoV) là họ các virus có thể gây ra các bệnh lý đường hô hấp trên và đường tiêu hóa ở người, một số loài động vật. Virus corona thường lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường hô hấp của người bệnh. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân.

Ở người, virus corona có thể gây bệnh nhẹ từ cảm lạnh thông thường đến các bệnh nghiêm trọng hơn như: Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV); Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS-CoV). Chủng virus mới thuộc họ corona (nCoV) là chủng mới chưa xác định trước đây ở người.

Trường hợp đầu tiên mắc chủng coronavirus là tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 12/12/2019. Bệnh hiện chưa có thuốc đặc trị và chưa có vaccine phòng bệnh.

Đến nay có người thiệt mạng do nhiễm corona virus.

Dấu hiệu nghi ngờ bị viêm phổi do nhiễm coronavirus

Ngày 16/1, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn ký quyết định “Hướng dẫn Chẩn đoán điều trị bệnh viêm phổi cấp do chủng virus corona mới (nCoV), trong đó nêu rõ những ca bệnh nghi ngờ nhiễm bệnh bao gồm:

- Người bị sốt và viêm phổi, viêm phổi kẽ hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X-quang tổn thương các mức độ khác nhau mà không lý giải được bằng các nhiễm trùng hoặc căn nguyên khác, bao gồm tất cả trường hợp có chỉ định lâm sàng xét nghiệm viêm phổi cộng đồng.

- Người sống hoặc đi du lịch tới những vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới trong vòng 14 ngày, trước khi bắt đầu có triệu chứng.

- Người tiếp xúc (trong thời gian ủ bệnh 14 ngày) với trường hợp sốt và nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân xuất hiện trong 14 ngày, sau khi du lịch tới vùng dịch tễ có bệnh do virus corona mới.

- Những người có dấu hiệu sốt và có các triệu chứng bệnh lý hô hấp (ho, khó thở...) và có mặt tại các cơ sở y tế ở các vùng dịch tễ, đã xác định có các ca mắc bệnh do virus corona mới liên quan chăm sóc y tế.

- Người tiếp xúc vật nuôi bị bệnh, động vật hoang dã ở các vùng dịch tễ trong vòng 14 ngày.

- Người bị sốt hoặc có các triệu chứng hô hấp và khởi phát trong vòng 14 ngày sau khi tiếp xúc trường hợp có thể hoặc khẳng định mắc bệnh do nCoV.

Một số ca phát hiện qua các bằng chứng lâm sàng và dịch tễ:

- Người tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh đã được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm bao gồm những người chăm sóc bệnh nhân (nhân viên y tế, gia đình, người thăm bệnh) trong thời gian có biểu hiện.

- Người bệnh có các biểu hiện lâm sàng, X-quang hoặc xét nghiệm giải phẫu bệnh của bệnh lý mô phổi (ví dụ như viêm phổi hoặc ARDS) phù hợp với các triệu chứng của bệnh viêm phổi lạ.

- Người bệnh không được khẳng định bằng các xét nghiệm bởi không lấy được mẫu bệnh phẩm hoặc không làm được xét nghiệm để chẩn đoán căn nguyên nhiễm trùng hô hấp cũng như không lý giải được bằng các nhiễm trùng hay căn nguyên khác.

Phòng bệnh viêm phổi do coronavirus thế nào?

Theo Bộ Y tế, viêm phổi do nCoV gây ra được chẩn đoán bằng kỹ thuật Real time RT - PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp.

Các trường hợp có thể hoặc khẳng định mắc virus corona cần phải báo cáo lên Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) hoặc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tại địa phương.

Tuy nhiên, để hạn chế lây nhiễm viêm phổi do coronavirus, công tác phòng bệnh vẫn được đặt lên hàng đầu. Do đó, để chủ động phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng virus mới coronavirus tại thành phố Vũ Hán, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

- Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.

- Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

- Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.

- Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại thành phố Vũ Hán trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây thông báo, tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ghi nhận các trường hợp viêm phổi cấp do chủng coronavirus mới. Trường hợp bệnh đầu tiên khởi phát vào ngày 12/12/2019.

Tính đến ngày 13/1 ghi nhận 59 trường hợp mắc, 7 trường hợp nặng, 1 trường hợp thiệt mạng, 2 trường hợp hồi phục hoàn toàn. Các bệnh nhân khác trong tình trạng ổn định và chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế bị nhiễm bệnh. Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về việc lây truyền từ người sang người.

Từ ngày 13/1 đến 15/1, thành phố Vũ Hán chưa ghi nhận trường hợp mắc mới. Trường hợp thiệt mạng là nam 61 tuổi, thường xuyên đến mua hàng tại chợ Huanan ở thành phố Vũ Hán (nơi có nhiều trường hợp mắc bệnh được ghi nhận). Người này có tiền sử bị u ổ bụng và bệnh gan mạn tính.

Ngày 16/1, Bộ Y tế Nhật Bản phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh viêm phổi lạ từ Trung Quốc.

Ngày 12/1, Thái Lan phát hiện trường hợp đầu tiên mắc viêm phổi do coronavirus. Sau đó 5 ngày, 17/1, quốc gia này tiếp tục công bố trường hợp thứ 2 nhiễm virus corona.

Phạm Quý

Tin mới