Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Việt kiều Hàn Quốc: Tết quê hương luôn là những ký ức ấm áp

(VTC News) -

Ông Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc, chia sẻ về trải nghiệm đón Tết, những đóng góp của người Việt xa xứ cho đất nước.

Là một trong số 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình Xuân Quê Hương, ông Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA), cho biết với ông, đây là chương trình có ý nghĩa đặc biệt mà năm nào ông cũng phải sắp xếp để về nước tham dự.

Các đại biểu tham dự chương trình Xuân Quê Hương 2023. (Ảnh: NVCC)

-  Chương trình Xuân Quê Hương năm nay có ý nghĩa như thế nào với ông?

Không thể đếm được tôi đã bao lần tham gia chương trình Xuân Quê Hương. Gần như mỗi dịp Tết đến xuân về tôi đều cố gắng sắp xếp về nước tham gia chương trình.

Theo tôi, Xuân Quê Hương là chương trình rất có ý nghĩa với kiều bào khắp nơi trên thế giới, là cơ hội để những người Việt xa xứ có thể gặp gỡ và giao lưu, đồng thời cũng là dịp để kiều bào hiểu hơn về những thành tựu mà đất nước đã đạt được trong năm qua và những định hướng phát triển trong năm mới.

Chương trình năm nay có thể có một số thay đổi khi được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tại TP.HCM.

Ngoài chương trình gặp gỡ, chiêu đãi kiều bào và chương trình giao lưu nghệ thuật đặc sắc, chương trình năm nay còn nhiều hoạt động đa dạng bên lề như dâng hương, dâng hoa các Vua Hùng; tham quan TP.HCM và tọa đàm về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

- Đại diện cho hiệp hội doanh nhân và đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, ông có thể chia sẻ về những thành tựu nổi bật của tổ chức trong năm qua?

Năm 2023 là năm bắt đầu phục hồi và phát triển sau đại dịch, cũng là năm đầu tiên Việt Nam - Hàn Quốc bước vào mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”, do đó chúng tôi đẩy mạnh nhiều chương trình kết nối các địa phương hai nước.

Ví dụ như tháng 5/2023, chúng tôi phối hợp cùng Bộ Ngoại giao Việt Nam và 4 tỉnh thành Cần Thơ, Bạc Liêu, Kon Tum và Thừa Thiên Huế, tổ chức diễn đàn xúc tiến đầu tư với các địa phương tại Hàn Quốc.

Các chương trình này đã đem lại những kết quả đáng kể. Ví dụ như từ những lần chúng tôi trao đổi với đối tác là lãnh đạo tập đoàn LG tại Hàn Quốc, và với địa phương, sau đó là chuyến thăm của Tổng Thống Hàn Quốc và đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam vào tháng 6/2023, thì tập đoàn LG đã quyết định tăng cường đầu tư thêm 1,3 tỷ USD, mở rộng quy mô nhà máy sản xuất đặt tại Hải Phòng.

Đặc biệt, trong thời gian qua, có một số địa phương tại Việt Nam đã chủ động liên hệ với chúng tôi khi rằng biết VKBIA đang kết nối và hoạt động rất tốt giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Tôi thấy đó là sự chủ động, là sự thay đổi tất yếu và cần thiết. Chúng tôi cũng đã giới thiệu với những nhà đầu tư tiềm năng, nhà đầu tư chiến lược để họ hiểu rõ hơn về các địa phương đó. Nhờ vậy, bên cạnh format cũ là chỉ đưa những gì chúng ta có, chúng ta hiểu được những nhà đầu tư cần gì và cách thu hút họ.

Có thể nói rằng như vậy đã có những đổi mới trong thời gian vừa qua, và các cơ quan chức năng, các địa phương của Việt Nam ta đã có những tiệm cận khác nhau để “khai thác tiềm năng” của kiều bào nhằm tăng cường phát triển, triển khai hợp tác giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài với địa phương, trong đó có hợp tác địa phương Việt Nam với địa phương Hàn Quốc. Chúng tôi luôn sẵn sàng thực hiện các công việc hỗ trợ kết nối các địa phương này, bằng 200% khả năng của mình.

416031144_2149091618773196_7147911976288764299_n.jpg

Trong thời gian vừa qua, và các cơ quan chức năng, các địa phương của Việt Nam ta đã có những tiệm cận khác nhau để 'khai thác tiềm năng' của kiều bào nhằm tăng cường phát triển, triển khai hợp tác.

Ông Trần Hải Linh

- Theo ông thì năm vừa qua người Việt ở Hàn Quốc đã có những đóng góp gì và những đóng góp này có ý nghĩa thế nào với việc xây dựng hình ảnh người Việt ở nước ngoài?

Một trong những đóng góp nổi bật tại Hàn Quốc của người Việt đó là tiếp tục quảng bá hình ảnh tốt đẹp và đất nước con người Việt Nam, đặc biệt là có nhiều hoạt động nhằm tăng cường vị thế tại nước sở tại. Một số hoạt động nổi bật trong năm 2023 vừa qua cũng đã được Hiệp hội VKBIA chúng tôi thực hiện.

Như vào tháng 3/2023, tại Hàn Quốc, Hiệp hội VKBIA chúng tôi và Liên minh Di chuyển Xanh Việt Hàn (VKERC) phối hợp cùng Văn phòng Nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc đồng tổ chức “Diễn đàn Công nghiệp xanh và Di chuyển thông minh - Việt Hàn gắn kết phát triển thị trường ASEAN”.

Tháng 7/2023 tại Seoul, Hàn Quốc đã diễn ra lễ ký kết đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Hiệp hội VKBIA chúng tôi và Quỹ đầu tư One World Impact Capital Limited (OWI) của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Chúng tôi cùng thống nhất việc tiếp tục đầu tư xuyên biên giới, đa quốc gia và chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp. Trong đó sẽ tiếp tục chú ý đến việc phát triển năng lực thích ứng với kinh tế xanh, đánh giá và cùng chủ trì thực hiện các dòng đầu tư vào các dự án, các công nghệ và phát triển mới, đặc biệt là trong lĩnh vực có liên quan đến kinh tế xanh, trung hòa carbon, giảm phát thải khí nhà kính.

Vào ngày 23/11 vừa qua, lãnh đạo bốn bên gồm chính quyền thành phố Naju, Công viên Công nghệ tỉnh Jeollanam-do, trường ĐH Dongshin và Hiệp hội VKBIA đã chính thức ký kết “Hiệp ước hợp tác chiến lược toàn diện về đầu tư, nghiên cứu và thúc đẩy xây dựng làng truyền thống, đô thị sinh thái, đô thị thông minh với năng lượng tự lực - trung hòa carbon, tăng trưởng phát thải carbon thấp ở 1 số địa phương ở Việt Nam”.

Đồng thời chúng tôi đã tham dự Lễ khai trương Trung tâm Trải nghiệm Làng Năng lượng Tự lực Daesil - trung hòa Carbon ở thành phố Naju (tỉnh Jeollanam-do). Đây là kết quả từ chương trình Quốc gia được chủ trì thực hiện bởi Bộ Đất đai và Giao thông, Bộ Giáo dục, Bộ Doanh nghiệp vừa nhỏ và Khởi nghiệp Hàn Quốc, Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc, chính quyền tỉnh Jeollanam-do, chính quyền thành phố Gwangju và chính quyền thành phố Naju.

Làng Daesil là mô hình làng kinh tế chia sẻ năng lượng tự lực, được thực hiện bởi sự phối hợp của Đại học Dongshin, thành phố Naju và các đơn vị nghiên cứu năng lượng xanh, trong đó có Innomotive - đơn vị thành viên của Hiệp hội VKBIA là đơn vị đồng phối hợp. Đây là chương trình quốc gia nhằm hướng đến dẫn đầu kỷ nguyên trung hòa carbon và chuyển đổi năng lượng xanh. Mô hình này sẽ tiếp tục được ứng dụng tại Hàn Quốc, và tiếp tục được định hướng hợp tác và đầu tư, chuyển giao công nghệ và áp dụng tại một vài địa phương của Việt Nam.

Tết cộng đồng người Việt ở thành phố Daegu, tỉnh Gyeongnam, Hàn Quốc.

Những hoạt động, chương trình nổi bật nêu trên để thấy rõ hơn tiềm năng hợp tác sâu rộng và hiệu quả hơn nữa về liên kết đội ngũ chuyên gia, tri thức Việt Nam - Hàn Quốc về đầu tư xanh và ứng dụng khoa học công nghệ cho công nghiệp xanh, phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Mặt khác chắc chắn chúng tôi cũng sẽ tiếp tục tạo ra những chương trình hợp tác trực tiếp và gián tiếp, và chắc chắn sẽ là cầu nối để thực hiện hiệu quả những lĩnh vực có thể hợp tác giữa các Quỹ đầu tư, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp và các trường đại học, các viện nghiên cứu cho đầu tư xanh, kinh tế xanh, công nghiệp xanh không chỉ giới hạn giữa Việt Nam - Hàn Quốc, mà cả từ các quốc gia phát triển khác có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

-  Ông có thể chia sẻ về trải nghiệm đón Tết ở Việt Nam và Hàn Quốc, cũng như những lần đón Tết xa quê của bản thân và những người Việt khác?

Năm nay sau khi tham dự chương trình Xuân Quê Hương, tôi sẽ quay lại Hàn Quốc. Ngoài ra nếu có thời gian, tôi cũng có thể tranh thủ về đón Tết ở quê nhà.

Ở Hàn Quốc sẽ đón Tết trong 4 ngày từ 30/12 - 3/1 Âm lịch. Tết ở Việt Nam và Hàn Quốc giống nhau một điểm là không khí đoàn viên, sum vầy bên gia đình.

Hơn 20 năm sinh sống làm việc ở Hàn Quốc và các quốc gia khác, tôi cũng có nhiều cái Tết không thể về nhà. Mỗi lần như vậy tôi đều rất bồi hồi, nhớ nhà; nhớ sự hối hả, sôi động trước Tết và nhớ khoảnh khắc chờ đón giao thừa bên gia đình.

Đối với cộng đồng người Việt tại đây thì có nhiều chương trình Tết cộng đồng do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức. Bên cạnh đó, các cộng đồng người Việt mỗi địa phương cũng tổ chức riêng cho kiều bào tại các địa phương. Trong số kiều bào ở đây có cả các gia đình đa văn hóa Việt - Hàn, người lao động và du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc.

-  Những người lao động Việt gặp hoàn cảnh khó khăn thì sẽ được cộng đồng hỗ trợ trong dịp Tết như thế nào?

Thực tế nơi đâu cũng có những hoàn cảnh khó khăn. Tại Hàn Quốc thì không chỉ có những người lao động Việt Nam, mà còn có cả những người Việt trong các gia đình đa văn hóa, những cô dâu Việt chuyển đổi quốc tịch sang Hàn Quốc, trong số họ cũng có những người có hoàn cảnh khó.

Trong mỗi dịp Tết đến xuân về, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam và các hội đoàn để tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn và hỗ trợ cho họ. Mới đây, tôi nhớ có trường hợp một cô dâu Việt lấy chồng người Hàn hơn 10 năm, có 2 con. Do hoàn cảnh khó khăn, hơn 10 năm qua cô ấy chưa thể một lần về thăm quê nhà.

Thấu hiểu hoàn cảnh ấy, chúng tôi đã thực hiện hoạt động kêu gọi, hỗ trợ toàn bộ vé máy bay và những phần quà, giúp cô ấy cùng gia đình thực hiện mong muốn được một lần đón Tết bên người thân ở quê nhà Việt Nam.

-  Đối với cá nhân ông, truyền thống gia đình vào dịp Tết mà ông nhớ nhất cả ở Việt Nam và ở Hàn là gì?

Tôi luôn nhớ những lúc hồi bé được quây quần gói bánh chưng bên gia đình. Đó là truyền thống sum vầy, một truyền thống đẹp với mỗi người dân Việt Nam. Đó là những ký ức thật ấm áp. Hiện tại, mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi cũng luôn muốn được quây quần bên nồi bánh cùng gia đình.

Còn tại Hàn Quốc thì Tết Nguyên Đán không quá đặc sắc hay nhiều hoạt động như ở Việt Nam, mà đơn giản chỉ là một kỳ nghỉ lễ để mọi người về nhà và đoàn tụ với người thân. Thời gian nghỉ Tết cũng rất ngắn, chỉ từ 30/12 - 3/1 âm lịch, nên cảm giác cái Tết ở Hàn Quốc trôi qua rất nhanh. Cũng chính vì vậy, mà người Việt ta tại Hàn Quốc hay cả những nước khác luôn mong muốn có cơ hội được về Việt Nam, cảm nhận không khí Tết truyền thông của quê hương.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Trần Hải Linh cho biết thêm, cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc về cơ bản là đối tượng trẻ sang Hàn Quốc chưa lâu. Nhưng bù lại, nguồn lực lao động và nguồn nhân lực chất lượng cao Việt Nam tại Hàn Quốc phát triển mạnh trong những năm vừa qua, đóng góp rất lớn cho Việt Nam. Theo thống kê không chính thức, hàng năm nguồn kiều hối từ Hàn Quốc về Việt Nam được hơn 2 tỷ USD, thông thường từ nguồn nhân lực chất lượng cao hoặc từ nguồn lao động đó. Đây là một nguồn đầu tư để phát triển kinh tế xã hội rất lớn.

Ngoài 3 khối: cô dâu di trú kết hôn, du học sinh và người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, trong vòng 5 năm qua, đã có thêm những chuyên gia, trí thức và khối doanh nhân kiều bào Việt Nam tại Hàn Quốc. “Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta biết tận dụng tối đa sức mạnh mềm của kiều bào, thậm chí ngay từ những địa bàn khó khăn hay có điều kiện khác nhau, thì có khó khăn nào chúng ta cũng sẽ phải vượt qua, để cùng nhau đạt thêm những thành tựu mới”.

Hoa Vũ - Phương Anh

Tin mới