Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Vì sao bóng đá Nhật Bản thăng hoa ở Olympic Tokyo?

(VTC News) -

Quá trình chuẩn bị bài bản, lối chơi sắc nét cùng sự thăng hoa đồng loạt của các tuyến đã đưa Olympic Nhật Bản lọt vào bán kết Thế vận hội.

Olympic Nhật Bản vừa điền tên vào bán kết môn bóng đá nam Thế vận hội Tokyo 2020. Lần thứ hai trong ba kỳ Olympic gần nhất, bóng đá trẻ Nhật Bản có cơ hội trực tiếp tranh chấp huy chương - danh hiệu thường ở ngoài tầm với của các đội bóng châu Á trước sự bành trướng của châu Âu và Nam Mỹ. 

Nhật Bản vươn mình 

Môn bóng đá ở Thế vận hội vốn được coi là cuộc chơi nội bộ của các nước châu Âu và châu Mỹ, với 24 chức vô địch trong 26 kỳ Olympic. Xuyên suốt lịch sử, các quốc gia ngoài hai khu vực này có vỏn vẹn 2 lần vô địch. Đó là HCV của Nigeria (1996) và Cameroon (2000). Cơ hội cho các đại diện châu Á là con số 0.

Nhật Bản vào bán kết Olympic Tokyo. 

53 năm trước, bóng đá Nhật Bản từng giành HCĐ, khi Olympic là sân chơi của các ĐTQG. Từ năm 1992, khi Olympic giới hạn độ tuổi cầu thủ là U23, Nhật Bản có 2 lần vượt qua vòng bảng, 1 lần vào bán kết và đứng hạng tư chung cuộc (Olympic London 2012). 

So với World Cup, Olympic là giải đấu mà các đội cửa dưới có cơ hội tạo bất ngờ nhiều hơn, bởi bóng đá trẻ tồn tại nhiều sai số.

Chưa kể, Olympic là giải đấu của các cầu thủ ở ngưỡng 21 đến 23 tuổi. Ở các nước Nam Mỹ hay châu Âu, những tài năng sáng giá ngưỡng tuổi này thường được đôn thẳng lên ĐTQG. Kylian Mbappe là ví dụ. Sau khi lên ĐTQG từ tháng 3/2017, Mbappe không còn khoác áo đội trẻ nào của Pháp. 

Các nước này thường cử cầu thủ hạng B hoặc hạng C đá Olympic. Pháp, Đức hay Argentina là ví dụ. Pháp cử đội hình vô danh tham dự Thế vận hội, trong khi Đức mang tới lực lượng không có cầu thủ nào đang chơi cho Bayern Munich hay Borussia Dortmund.

Tuy nhiên, sự thiếu nghiêm túc của một số đối thủ không thể che mờ sự thật: Olympic Nhật Bản đang có kỳ Thế vận hội thành công. Quá trình làm bóng đá bài bản cùng chiến lược đúng đắn cho Olympic Tokyo đang giúp bóng đá Nhật Bản trình diễn ấn tượng.

Thầy trò HLV Hajime Moriyasu toàn thắng 3 trận vòng bảng, ghi 7 bàn. Ở tứ kết, Nhật Bản gặp khó trước New Zealand. Dù vậy, "samurai áo xanh" vẫn thắng 4-2 trên chấm luân lưu.

Chiến lược của Nhật Bản 

Nhật Bản tôn thờ lối chơi kỹ thuật, được xây dựng trên nền tảng chuyền ngắn một chạm của bóng đá Brazil. Trong các bộ truyện tranh bóng đá của Nhật Bản, Brazil luôn là đối thủ lớn nhất mà "samurai" áo xanh phải vượt qua. Ở J-League, 9/15 ngoại binh được định giá cao nhất (theo Transfermarkt) đến từ xứ sở samba. 

Lối đá ngắn, nhuyễn của người Brazil kết hợp với kỷ luật của Nhật Bản tạo ra lối đá mang phong vị, bản sắc riêng cho đội bóng xứ hoa anh đào. Đội bóng của Moriyasu vươn lên số 1 châu Á, nhưng như thế là chưa đủ. Ở các sân chơi lớn, bóng đá Nhật Bản vẫn lép vế trước các cường quốc thế giới. 

Nhật Bản đủ sức đá sòng phẳng với nhiều đối thủ mạnh. 

Khác biệt chỉ đến khi Nhật Bản bắt đầu đều đặn xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu. Sau giai đoạn của Kazuyoshi Miura - "cây trường sinh" từng một mình tới Brazil tu nghiệp, thế hệ của Hidetoshi Nakata, Shunsuke Nakamura, Makoto Hasebe, Keisuke Honda hay Shinji Kagawa bắt đầu vạch ra con đường "Âu hóa" cho bóng đá Nhật Bản. 

Sau nhiều năm, đội tuyển Nhật Bản đã tràn ngập cầu thủ đang chơi bóng tại nước ngoài. Ở Asian Cup 2019, 11 cầu thủ Nhật Bản đá chính trận tứ kết với Việt Nam đều thi đấu tại châu Âu.

Tại Olympic Tokyo, 9/22 cầu thủ Nhật Bản đang chơi ở những nền bóng đá hàng đầu như Anh, Tây Ban Nha, Italy, Đức hay Hà Lan, nhiều gấp bốn lần số cầu thủ xuất ngoại của đội trẻ Hàn Quốc. 7 trong số đó dưới 24 tuổi, tức còn nhiều tiềm năng phát triển ở lục địa già. 

Nhờ thi đấu tại châu Âu, các cầu thủ Nhật Bản cải thiện được thể lực. Olympic Nhật Bản chơi áp đảo trong cả 4 trận vừa qua, dù đối thủ là Mexico, Pháp, Nam Phi hay New Zealand.

Đặt trên bàn cân sức mạnh, Nhật Bản vẫn thua kém nhiều đội, nhưng đó là cái thua một 9, một 10, có thể bù đắp bằng kỷ luật và tinh thần tập thể - yếu tố mà học trò của Moriyasu vượt trội không ít đối thủ. 

Kinh nghiệm của Maya Yoshida (số 5) là vốn quý với Nhật Bản. 

Lối chơi chặt chẽ, khoa học và lớp lang được Nhật Bản xây dựng cho mọi cấp độ đội tuyển, giúp các tuyển thủ có thể nhanh chóng "thuộc bài", thi đấu ăn ý và rất hiệu quả dù góp mặt trong đội hình nào.

Cách chơi của U19, U21, Olympic hay ĐTQG Nhật Bản về cơ bản không khác nhau. Sự thông suốt ấy giúp bóng đá Nhật Bản vận hành ổn định, trước khi thực hiện cú bứt phá nhờ nở rộ nhân tài như Kubo, Ritsu Doan, Takumi Minamino hay Takehiro Tomiyasu. 

Đội hình của HLV Moriyasu cũng tích lũy đáng kể kinh nghiệm quốc tế. 6/22 cái tên dự Olympic từng chơi tại ASIAD 2018 và 5/11 cái tên đá chính từng tung hoành tại Asian Cup. Ở cả hai giải này, Nhật Bản đều đi tới chung kết.

Bóng đá Nhật Bản đang hái quả ngọt nhờ chiến lược hợp lý. Trận gặp Tây Ban Nha ngày 3/8 tới sẽ là thuốc thử cực đại, giúp Kubo cùng đồng đội biết được chỗ đứng thực sự trên bản đồ bóng đá trẻ. 

Hồng Nam

Tin mới