Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Bóng đá Olympic Tokyo: Nhật Bản, Hàn Quốc bùng nổ, Pháp và Đức thua thảm hại

(VTC News) -

Trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản chơi ấn tượng để giành ngôi đầu, Pháp và Đức đều phải chia tay môn bóng đá nam Olympic Tokyo từ vòng bảng.

Môn bóng đá nam Olympic Tokyo đang chứng kiến rất nhiều bất ngờ. Trong khi Olympic Nhật Bản, Olympic Hàn Quốc thắng giòn giã để chiếm lấy ngôi đầu, Olympic Pháp và Olympic Đức đều phải chia tay giải đấu từ vòng bảng.

Ấn tượng Nhật Bản, Hàn Quốc 

Nhật Bản so tài với Pháp ở trận hạ màn môn bóng đá nam với tâm thế thoải mái. 6 điểm trọn vẹn trước Mexico và Nam Phi giúp Nhật Bản có hiệu số áp đảo Pháp (+2 so với -2). Không thua Pháp với cách biệt quá 1 bàn, Nhật Bản sẽ góp mặt tại tứ kết.

Olympic Nhật Bản bay cao. 

Tuy nhiên, đội bóng của HLV Hajime Moriyasu không ra sân với tâm thế cầu hòa. Nhật Bản thi đấu tự tin trước Pháp khi cầm bóng áp đảo ở khu trung tuyến với những đường chuyền ngắn, nhuyễn và hiệu quả.

Nhật Bản vẫn ưu tiên giữ sạch lưới, nhưng thay vì dồn số đông hậu vệ che chắn cầu môn, đội bóng có biệt danh "Samurai áo xanh" lấy kiểm soát và tấn công làm nền tảng phòng ngự. Trái với lối chơi vội vàng, rời rạc và tự phát của Pháp, Nhật Bản thi đấu bài bản và kỷ luật.

Ở bàn mở tỷ số, đội chủ nhà chỉ cần 3 đường chuyền để đánh sập hệ thống phòng ngự Pháp. Tương tự trong các bàn thứ hai và thứ ba, Nhật Bản đều chơi trực diện, ít chạm và rất chuẩn xác. 

Lối chơi toan tính và chuẩn chi như cỗ máy của Nhật Bản được thể hiện xuyên suốt chiến dịch vòng bảng ở Olympic Tokyo. Trong trận gặp Nam Phi, Takefusa Kubo cùng đồng đội dồn ép nghẹt thở, rồi ra đòn trong hiệp 2. Gặp đối thủ mạnh ở biên như Mexico, Nhật Bản khống chế khu trung tuyến, khiến đại diện Nam Mỹ bối rối và mắc sai lầm.

Kubo (áo xanh) ngày càng trưởng thành. 

Đến trận gặp Pháp, các học trò của HLV Moriyasu đập tan ý đồ của đối thủ, một lần nữa, bằng sự chính xác và kỷ luật trong lối chơi. Ở cả tấn công lẫn phòng ngự, Nhật Bản đều không lộ khe hở cho Pháp xuyên phá. Trận thắng này giống như "chiến thư" đầy sức nặng mà đội chủ nhà gửi đến các đội còn lại ở Olympic.

Không kỷ luật, chặt chẽ như Nhật Bản, song Hàn Quốc cũng có bản sắc riêng. Đội bóng có biệt danh "Những chiến binh Taeguk" đang là đội có hàng công đáng sợ nhất Olympic với 10 bàn sau 3 trận, gấp 3 lần ứng viên vô địch Tây Ban Nha.

Với những hảo thủ như Lee Kang In, Hwang Ui Jo, Hàn Quốc luôn vào trận với tâm thế tấn công và tấn công. Dưới thời HLV Kim Hak Bum, Hàn Quốc đã xây dựng được hệ thống triển khai bóng tuần tự. Sau trận đấu kém may mắn với New Zealand, Hàn Quốc đè bẹp những đội bóng có thể hình, thể lực vượt trội như Romania (4-0) và Honduras (6-0).

Hàn Quốc ghi 10 bàn vào lưới Romania và Honduras. 

Không thi đấu cậy sức, mà đội bóng xứ kim chi sử dụng tốc độ, kỹ thuật để cuốn phăng đối thủ. Đây là lối chơi được bóng đá Hàn Quốc xây dựng từ lứa U16, U19 đến U23. HLV Kim Hak Bum đang có trong tay lứa cầu thủ đầy tiềm năng, có thể thay đổi bộ mặt ĐTQG nước này trong 5 năm tới. 

Nỗi buồn Pháp, Đức 

Trái với sự bùng nổ của các đại diện châu Á, Pháp và Đức đều có kỳ Olympic Tokyo kém cỏi. Đội trẻ của Pháp nằm ở bảng đấu dễ thở với Nhật Bản, Mexico và Nam Phi, nhưng sau 3 trận, Pháp thủng lưới tới 11 bàn.

Đội bóng của HLV Sylvain Ripoll là đại diện kém cỏi nhất của bóng đá Pháp ở các giải trẻ trong 3 năm qua, khi thi đấu yếu ớt, bạc nhược và rời rạc. Các cầu thủ Olympic không đại diện cho bộ mặt của bóng đá trẻ Pháp, nhưng thất bại ở hai giải lớn liên tiếp (EURO và Thế vận hội) là lời cảnh báo đầy sức nặng cho tương lai bóng đá nước này.

Pháp vẫn có dư thừa tài năng, nhưng từ ĐTQG đến cấp độ trẻ, "Gà trống Gaulois" đều thi đấu thiếu kỷ luật và tự phát. Pháp từng vô địch World Cup nhờ chất lượng vượt trội của các cá nhân, nhưng dựa vào một vài ngôi sao không phải hướng đi vững bền cho đội tuyển xứ lục lăng.

Olympic Pháp thủng lưới 11 bàn sau 3 trận. 

Dù vậy, ít nhất Pháp còn có ngôi sao để dựa vào. Còn với Olympic Đức, thất bại ở vòng bảng là dấu lặng tiếp theo trong bản nhạc buồn của "Cỗ xe tăng" từ sau đỉnh cao thế giới năm 2014.

Đức vô địch U21 châu Âu, nhưng mang tới Nhật Bản đội hình nhạt nhòa và kém tiếng tăm. Chỉ 1/22 cầu thủ Đức dự Thế vận hội đang chơi cho một trong ba đội bóng hàng đầu Bundesliga.

Olympic Đức bị loại suýt soát (kém Bờ Biển Ngà 1 điểm), nhưng màn thể hiện của Đức kém tới mức đáng báo động. Đức không có bất kỳ điểm nhấn nào trong lối chơi, chỉ dựa vào khả năng xoay sở của một vài cá nhân như Max Kruse, Maximilian Arnold. Đức không xứng đáng vào tứ kết.

Bóng đá Đức (áo đen) liên tục thất bại. 

Cùng bị loại như Đức, Pháp còn có đội Olympic của Argentina. Đội bóng xứ tango bất ngờ thua Australia ở trận ra quân và bị Ai Cập vượt mặt ở trận cuối cùng. So với lứa trẻ từng vô địch Olympic Bắc Kinh (Lionel Messi, Angel di Maria, Sergio Aguero), thế hệ tương lai của Argentina không có gương mặt nổi trội nào để chờ đợi.

Các đội vượt qua vòng bảng Olympic Tokyo:

Bảng A: Nhật Bản, Mexico

Bảng B: Hàn Quốc, New Zealand

Bảng C: Tây Ban Nha, Ai Cập

Bảng D: Brazil, Bờ Biển Ngà 

Hồng Nam

Tin mới