Tư lệnh Trung tâm Lực lượng Không quân Mỹ (AFCENT), Trung tướng Alex Grynkewich đã báo cáo về một sự cố, liên quan đến chiếc máy bay chiến đấu MQ-9 Reaper của quân đội Mỹ và một máy bay chiến đấu Su-35 của Không quân Nga trên không phận Syria vào ngày 23/7.
Cơ quan của Mỹ công bố đoạn phim cho thấy, chiến đấu cơ Su-35 của Nga tiếp cận máy bay không người lái Reaper gần đến mức camera của máy bay không người lái Mỹ đã ghi lại hình ảnh của phi công trong buồng lái.
Ngay sau đó, máy bay chiến đấu Nga bay qua đầu máy bay không người lái của Mỹ và phóng ra bốn quả pháo sáng, trong đó ít nhất một quả bắn trúng chiếc UAV, “làm hư hại nghiêm trọng” cánh quạt của nó, như AFCENT đã nêu.
Các hình ảnh kèm theo cho thấy một vết cháy lớn, màu đen gần đầu cánh quạt, cho thấy sức nóng dữ dội và sức mạnh của ngọn lửa khiến cánh quạt bị cong và biến dạng.
Bất chấp thiệt hại do pháo sáng gây ra, Grynkewich trấn an rằng khả năng hoạt động của máy bay không người lái vẫn còn nguyên vẹn, nói rằng: “Thật may mắn, phi hành đoàn MQ-9 đã có thể duy trì chuyến bay và đưa máy bay trở về căn cứ một cách an toàn”.
Phía Mỹ không tiết lộ lý do đằng sau hành vi của Nga và không cung cấp chi tiết về địa điểm xảy ra vụ việc ở Syria.
“Sự coi thường trắng trợn của máy bay chiến đấu Nga đối với an toàn bay đã làm giảm sứ mệnh của chúng tôi nhằm đảm bảo đánh bại IS lâu dài. Chúng tôi kêu gọi các lực lượng Nga ở Syria chấm dứt ngay hành vi liều lĩnh, vô cớ và thiếu chuyên nghiệp này”, ông Grynkewich nói thêm.
Ở mốc thời gian 0.11 giây trong video, một vật thể bên cạnh thùng nhiên liệu bên ngoài trên máy bay MQ-9 dường như bị Không quân Mỹ làm mờ.
Hình ảnh cánh quạt chiếc MQ-9 bị hư hại.
Amelia Smith, một nhà phân tích quốc phòng, cho rằng dựa trên các chi tiết có thể nhìn thấy vật thể nghi vấn dường như là một tên lửa AGM-114 trên bệ phóng M310.
Sự cố này không phải là lần đầu tiên, mà là vụ việc mới nhất trong một loạt các cuộc đối đầu giữa những máy bay chiến đấu hàng đầu của Nga với những chiếc máy bay không người lái của Mỹ.
Một sự cố tương tự xảy ra chỉ 18 ngày trước đó, tức là vào ngày 5/7, khi một chiếc Su-35 của Nga thực hiện các thao tác bay nguy hiểm gần ba chiếc MQ-9 Reaper của Mỹ trên bầu trời Syria và thả pháo sáng trên đường đi của chúng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó không có thiệt hại nào được báo cáo.
Sự cố tháng 3/2023
Vụ việc mở màn cho những cuộc chạm trán như vậy đã được ghi nhận vào tháng 3, khi một chiếc Su-27 Flanker của Nga, loại chiến đấu cơ có khả năng cơ động cao tương tự như Su-35 đã thực hiện các thao tác bay gần một chiếc MQ-9 Reaper trên biển Đen và đã khiến chiếc UAV rơi xuống biển.
Căng thẳng đang diễn ra giữa các lực lượng Nga và NATO ở Syria đã khiến Mỹ tăng cường sự hiện diện của mình trong khu vực. Các nguồn tin Lầu Năm Góc cho biết, những biện pháp quân sự chống lại lực lượng Nga ở Syria đang được triển khai.
Gần đây nhất, quân đội Mỹ đã triển khai các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-22 đến căn cứ ở Jordan, quốc gia có biên giới với Syria, đồng thời bố trí các máy bay chiến đấu F-16, F-35 và máy bay cường kích A-10 trong phạm vi hoạt động của lãnh thổ Syria.
Máy bay MQ-9 Reaper.
Su-35 tại Syria
Vào những tháng đầu năm 2016, những chiếc Su-35 được Nga phái đến Syria như một động thái chiến lược, nhằm chống lại các mối đe dọa tiềm ẩn do máy bay NATO gây ra cho các hoạt động chống nổi dậy của Nga. Hành động này cũng nhằm đáp ứng đề nghị của chính phủ Syria, về việc yêu cầu sự hỗ trợ của Moskva trong các nỗ lực phòng thủ của họ.
Những phần tử nổi dậy còn lại ở Syria chủ yếu hoạt động trong các vùng đất gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq, hoạt động dưới sự bảo vệ của lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Sự hiện diện của các lực lượng này trên lãnh thổ Syria bị coi là bất hợp pháp, do không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và chính quyền Damascus.
Máy bay Nga áp sát đến mức camera của máy bay Mỹ ghi lại được hình ảnh viên phi công trong buồng lái.
Su-35 vẫn được coi là máy bay chiến đấu nguy hiểm nhất của Nga ở cấp độ phi đội, máy bay này đã giành được nhiều chiến thắng trên không hơn bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào khác trên toàn thế giới kể từ sau Chiến tranh Lạnh, chủ yếu là việc đánh bại các máy bay chiến đấu của Ukraine.
Tại Syria, Su-35 được hỗ trợ bởi một mạng lưới rộng lớn các hệ thống phòng không trên mặt đất như hệ thống S-400, cùng với các máy bay chiến đấu khác bao gồm Su-30SM và MiG-29 của Syria.
Mặc dù vậy, Su-35 vẫn bị áp đảo về số lượng so với các phương tiện chiến đấu trên không của NATO được triển khai trên khắp Trung Đông. Điều này đã hạn chế khả năng của Nga trong việc tận dụng lực lượng không quân của mình, để gây áp lực lên các lực lượng chiếm đóng của phương Tây và Thổ Nhĩ Kỳ trong lãnh thổ Syria.