Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tướng Nguyễn Thị Xuân đề nghị rà soát các dự án thuỷ điện ảnh hưởng đến rừng

(VTC News) -

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắc Lắk) đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương nhanh chóng đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện ảnh hưởng tới rừng.

Tại buổi thảo luận tại Quốc hội sáng 3/11, đại biểu, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắc Lắk) đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương nhanh chóng đánh giá lại việc đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Bà Xuân dẫn ra các phản ánh của cử tri cho rằng thực chất của việc đầu tư thủy điện nhỏ là khai thác gỗ và tài nguyên một cách hợp pháp. Thực tế cho thấy nhiều chủ dự án thủy điện nhỏ sau khi được cấp giấy phép xây dựng nhanh chóng bán lại cho các chủ đầu tư khác. Bà Xuân cho rằng đây là vấn đề cần nghiên cứu nghiêm túc, xem xét. 

"Cần rà soát, kiểm tra xem có bao nhiêu dự án thủy điện đã sang tên cho các chủ đầu tư khác, đánh giá hiệu quả hoạt động của các thủy điện này để có phương án quy hoạch hiệu quả bền vững", vị nữ đại biểu Đắc Lắk nhấn mạnh. 

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắc Lắk).

Theo đại biểu Xuân, cần cân nhắc, loại bỏ các dự án thuỷ điện vừa và nhỏ ra khỏi quy hoạch đến năm 2030 bởi trên thực tế vừa qua là lợi bất cập hại. Sông suối cạn kiệt nước khi thủy điện tích nước và ngập úng khi xả nước.

Nước sinh hoạt, phục vụ sản xuất đều thiếu, các hồ thủy điện chưa phát huy được vai trò thủy lợi, điều tiết nước cho các lưu vực, hạ lưu, Rừng và cây rừng, tài nguyên bị các chủ đầu tư khai thác triệt để.

Liên quan tới vấn đề an ninh nguồn nước, đại biểu Xuân cho rằng đây là việc phải gắn liền với phòng chống thiên tai và vấn đề an ninh năng lượng.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn cũng như những bất cập trong việc xây dựng thủy điện vừa và nhỏ, vị nữ đại biểu kiến nghị tiếp tục cho trồng rừng tương tự như chương trình 327 trước đây.

"Có thể nói rằng chúng ra suy giảm rừng nguyên sinh khá nhiều. Vì vậy, vấn đề trồng rừng tái sinh là vấn đề hết sức cấp bách, có rừng sẽ giữ được nguồn nước, giảm nguy cơ lũ lụt, sạt lở đất", bà Xuân cho hay.

Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa) đề nghị có giải pháp để hạn chế, giảm thiểu sự cố trong vận hành hồ thủy lợi, thủy điện. Các chủ hồ, doanh nghiệp vận hành thủy điện phải xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du hồ đập, phạm vi, mức độ ảnh hưởng khi xả lũ.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (đoàn Thanh Hóa).

Các chủ hồ, doanh nghiệp vận hành thủy điện có trách nhiệm giải phóng mặt bằng tại vùng hạ du để bảo đảm không gây thiệt hại, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân và bồi thường khi có thiệt hại.

"Tại sao vẫn có chuyện xả lũ đúng quy trình mà người dân hạ du bị bất ngờ, thiệt hại về sản xuất, tài sản. Vấn đề này rất cần có câu trả lời của Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trước cử tri và Quốc hội", ông Diến nêu quan điểm.

Đại biểu cũng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá tác độ biến đổi khí hậu đến từng hồ đập, mức độ an toàn; tăng cường kiểm tra, giám sát các chủ đầu tư, đơn vị quản lý hồ chứa, hồ thủy điện, đặc biệt trong mùa lũ...

Song Hy

Tin mới