Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Trung Quốc sắp công bố vùng nhận dạng phòng không phi pháp ở Biển Đông?

(VTC News) -

Nguồn tin giấu tên từ quân đội Trung Quốc nói Bắc Kinh đang chờ thời điểm thích hợp để thông báo kế hoạch vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) phi pháp trên Biển Đông.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một nguồn tin quân đội Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh có kế hoạch về một ADIZ phi pháp trên Biển Đông phát triển từ năm 2010. ADIZ được đề xuất bao gồm khu vực Pratas (mà Trung Quốc gọi là Đông Sa, ở phía Đông Bắc Biển Đông), quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Theo đó, Trung Quốc đang chờ thời điểm phù hợp để công bố các kế hoạch này.

SCMP cho biết thêm, cơ quan quốc phòng Đài Loan hôm 4/5 nói rằng, họ đã biết kế hoạch ADIZ mới của Bắc Kinh.

Trung Quốc có thể đang chờ thời điểm công bố ADIZ mới trên Biển Đông.

Nguồn tin cho biết, kế hoạch này cùng thời điểm đó Bắc Kinh từng cân nhắc lập ADIZ ở Biển Hoa Đông năm 2010 và sau đó chính thức công bố năm 2013 – động thái bị quốc tế chỉ trích rộng rãi, đặc biệt là Nhật Bản. Tokyo sau thông báo năm 2010 cũng công bố ADIZ của riêng mình, bao gồm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

 Theo SCMP, vùng nhận dạng phòng không là không phận phía trên một khu vực biển hoặc đất không tranh chấp, trong đó thực hiện việc giám sát và kiểm soát các máy bay vì mục đích an ninh quốc gia. Trong khi nhiều quốc gia có vùng nhận dạng phòng không, nội dung này không được định nghĩa hay quy định ở bất cứ hiệp ước hay tổ chức quốc tế nào.

Các nhà quan sát quân sự cho rằng việc Trung Quốc thông báo ADIZ thứ hai có thể làm gia tăng căng thẳng với Mỹ và ảnh hưởng đến mối quan hệ với những người hàng xóm Đông Nam Á. Trung Quốc bên cạnh cân nhắc những yếu tố này cũng phải xem xét đến vấn đề kỹ thuật, khi Biển Đông lớn hơn Biển Hoa Đông.

Li Jie, chuyên gia hải quân tại Bắc Kinh và là đại tá về hưu của quân đội Trung Quốc cho biết, các nước thường thông báo thành lập ADIZ khi có đủ các trang thiết bị do thám, chiến đấu cần thiết và đủ cơ sở hạ tầng để quản lý chúng. Nhưng nếu có cơ hội, Bắc Kinh có thể đưa ra thông báo sớm hơn.

Lu Li-Shin, chuyên gia đến từ Học viện Hàng hải Cao Hùng (Đài Loan) cho rằng, việc Trung Quốc xây dựng và phát triển các đảo nhân tạo, đặc biệt là các đường bay và hệ thống radar được xây dựng (trái phép-PV) trên Đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn trong những năm gần đây, đều nằm trong kế hoạch ADIZ.

“Các hình ảnh vệ tinh cho thấy quân đội Trung Quốc đã triển khai máy bay cảnh báo sớm và điều khiển KJ-500 và máy bay tuần tra chống ngầm KQ-200 trên Đá Chữ Thập”, ông này nói.

Bên cạnh đó, theo ông Lu, Trung Quốc đang xây dựng các cơ sở vật chất và có thể sớm điều máy bay chiến đấu đến đây, thực hiện hoạt động giám sát ADIZ.

Video: Thế giới chỉ trích Trung Quốc hung hăng ở biển Đông 

Việt Nam nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. 

Hoạt động của các bên ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các khu vực mà Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam và vi phạm luật pháp quốc tế.

Phương Anh

Tin mới