Chia sẻ trên tờ Nikkei Asian Review, Đô đốc James Stavridis của Hải quân Mỹ, cựu Tư lệnh các lực lượng NATO, cho rằng Trung Quốc đang ngày càng trở nên hung hăng hơn với các hành động ngang ngược ở Biển Đông.
Thời gian gần đây,Trung Quốc đã sử dụng lực lượng hải quân để gây sức ép lên các nước láng giềng. Trong tháng 4, tàu hải cảnh Trung Quốc đã đâm chìm một tàu cá của ngư dân Việt Nam. Hành động này của Bắc Kinh sau đó vấp phải làn sóng phản đối rộng rãi của dư luận, cộng đồng quốc tế.
Đô đốc James Stavridis. (Ảnh: U.S. Navy)
Trung Quốc ngày càng hung hăng ở Biển Đông
Cựu Tư lệnh các lực lượng NATO chỉ ra việc Bắc Kinh đang gia tăng áp lực đối với sự hiện diện của tàu chiến Mỹ ở khu vực. Trung Quốc sử dụng một loạt các biện pháp, phát đi các tín hiệu gây hấn như sử dụng máy bay và tàu chiến áp sát tàu Mỹ với khoảng cách rất gần, hướng radar điều khiển hỏa lực về phía tàu chiến Mỹ, tín hiệu chuẩn bị khai hỏa.
Việc sớm kiểm soát dịch COVID-19 trong nước cũng như nhanh chóng mở lại nền kinh tế khiến Trung Quốc tự nhận rằng nước này đang ở vị thế để đưa ra các sáng kiến về kinh tế và sức mạnh mềm nhằm lôi kéo các nước ít có liên quan đến vấn đề Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp gần như toàn bộ Biển Đông, từ bờ biển đến rìa ngoài của "đường 9 đoạn" mà nước này tự vẽ ra. Hành động này của Bắc Kinh rõ ràng có tác động đến tự do hàng hải ở Biển Đông bởi đây là vùng biển có giao thương hàng hải với khối lượng lớn. Hơn nữa, Biển Đông cũng là nơi có tài nguyên thiên nhiên, trong đó có trữ lượng dầu khí lớn.
Yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài thường trực bác bỏ năm 2016 cũng như vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn ngang ngược thực hiện các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp, hoàn toàn không có căn cứ cũng như giá trị pháp lý ở Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam tháng 4/2020. (Ảnh: Reuters)
Từ lâu, Mỹ đã thực hiện chiến dịch "Tuần tra tự do hàng hải" (FONOP) ở Biển Đông nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp cũng như xây dựng các đảo đã nhân tạo của Trung Quốc ở vùng biển này.
Tuy nhiên, phản ứng trước động thái của Mỹ, Trung Quốc ráo riết mở rộng hạm đội tàu chiến đang hoạt động, tăng số lượng tên lửa hành trình "sát thủ tàu sân bay" và cải tiến công nghệ tàu ngầm. Tất cả những yếu tố này giúp Bắc Kinh tự tin hơn khi đối đầu với các cuộc tuần tra của Mỹ.
Trung Quốc đang thực hiện chiến lược này theo hướng ngày càng ngang ngược, hung hăng hơn, xuất phát từ các vấn đề nội tại của nước này.
Trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Bắc Kinh cần một lý do để tập hợp sự ủng hộ. Vì vậy, chiến lược hung hăng, hiếu chiến trên Biển Đông thể hiện sức mạnh của nước lớn được Trung Quốc lựa chọn để thực thi các yêu sách phi lý của mình.
Thế giới đứng trước lựa chọn khó khăn
Từ các phân tích đó, Đô đốc James Stavridis nhận định, lựa chọn của phần còn lại của thế giới tại thời điểm này rất là khó khăn. Bởi vì, không nước này muốn rơi vào cuộc chiến tranh lạnh toàn diện hay một cuộc chiến vũ trang với Bắc Kinh.
Tàu USS Rafael Peralta. (Ảnh: US Navy)
Tuy nhiên, theo Đô đốc James Stavridis “để tránh nguy cơ này trong khi vẫn có thể chống lại yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên Biển Đông thì gia tăng sức ép về kinh tế, ngoại giao hay thậm chí răn đe quân sự là cần thiết".
Cựu Tư lệnh các lực lượng NATO cho rằng, Mỹ nên kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á cùng với Nhật Bản, Ấn Độ và Australia lên án về ngoại giao chống lại Trung Quốc. Trong khi đó, về khía cạnh quân sự, các hoạt động tuần tra tự do hàng hải cần tiếp tục được đẩy mạnh, với sự tham gia của Mỹ, cũng như các đồng minh NATO như Anh và Pháp.
Bên cạnh đó, một phần của chiến lược gây sức ép là về kinh tế, trong đó vừa khuyến khích, nhưng đồng thời sẵn sàng trừng phạt nếu các hành động nguy hiểm của Trung Quốc tiếp diễn.
Ngoài ra, về vấn đề đối đầu trên không gian mạng, Mỹ cần có các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ trong bối cảnh Trung Quốc nhiều khả năng sẽ sử dụng tin tặc tấn công mạng nhắm vào các cơ sở của Mỹ.