Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Chuyên gia: Trung Quốc lên sẵn kế hoạch với Biển Đông, không phải nhân COVID-19

(VTC News) -

Chuyên gia Bonnie Glaser cho rằng, hành động gia tăng căng thẳng ở Biển Đông được Bắc Kinh lên kế hoạch từ trước, không phải vì COVID-19 mới triển khai.

Bắc Kinh gia tăng căng thẳng không vì COVID-19

Trong buổi trao đổi trực tuyến sáng 27/5 với chủ đề “An ninh Khu vực và Biển Đông trong giai đoạn COVID-19”, chuyên gia Bonnie Glaser - Cố vấn Cấp cao về châu Á và Giám đốc Dự án "Sức mạnh Trung Quốc" tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) dẫn lại một số ý kiến cho rằng, Trung Quốc đang lợi dụng COVID-19 để leo thang hành động trên Biển Đông.

Bà Glaser tin rằng những gì mà Trung Quốc đang làm tại Biển Đông thời gian qua không khác là bao so với những gì họ từng làm trước đây. Các hành động trong vài tháng trở lại đây của Bắc Kinh như xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay đặt tên cho các thực thể là điều mà "Bắc Kinh đã lên kế hoạch từ trước, chứ không phải họ chờ tới đại dịch mới tiến hành".

Bà Bonnie Glaser. (Ảnh: UScnpm)

Mặc dù vậy, bà Glaser lưu ý, việc Trung Quốc đặt tên các thực thể ở Biển Đông "có đôi chút bất thường". Lần cuối Trung Quốc đặt tên cho các cấu trúc ở vùng biển này là vào năm 1983. Theo vị chuyên gia này, thực chất Trung Quốc đã lên kế hoạch cho vấn đề này và tới gần đây thì họ công bố. Đồng thời Bắc Kinh tận dụng COVID-19 như thời cơ để thúc đẩy các hoạt động tìm kiếm lợi ích riêng.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng liên quan tới Biển Đông, Đài Loan và Hong Kong, nhiều người lo ngại về khả năng đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, bà Glaser nhận định khả năng 2 bên leo thang tới mức xung đột quân sự khó xảy ra. Bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều nhìn nhận về các hậu quả kéo theo nếu 2 bên đối đầu.

Bản thân Trung Quốc cũng đang thực hiện Chiến thuật Vùng xám, cố tình gia tăng các hành động gây hấn, nhưng duy trì dưới ngưỡng xung đột quân sự thông thường. Họ cố tình để dân quân biển, tàu hải cảnh hoạt động ở mức không kích động Mỹ có các động thái đáp trả.

Chuyên gia Mỹ chỉ ra rằng, Bắc Kinh từng đưa ra các tuyên bố trục xuất tàu Mỹ, nhưng trên thực tế Trung Quốc chưa có bất cứ các hoạt động nào cứng rắn hơn để yêu cầu Mỹ ngừng các hoạt động tự do hành hải. Bản chất của các tuyên bố này thực chất là để thông điệp gửi tới giới chính trị trong nước.

Về phần mình, Mỹ cũng tránh va chạm với tàu Trung Quốc khi hoạt động ở Biển Đông. Tuy nhiên, Washington cũng từng cảnh báo Trung Quốc rõ ràng về việc Bắc Kinh sẽ phải trả giá ra sao nếu có hành động dẫn tới đối đầu giữa 2 bên.

Mỹ tiếp tục khẳng định quyền tự do hàng hải trên Biển Đông

Liên quan tới phản ứng của Mỹ trong trường hợp Trung Quốc ý định ngăn chặn quyền tự do hàng hải trong khu vực, bà Glaser cho rằng, Mỹ nên cân nhắc đưa ra phản ứng, phát đi tín hiệu rằng các hành động ngăn chặn này là không thể chấp nhận được và Bắc Kinh cần có trách nhiệm với các hành động của mình.

Về việc Trung Quốc leo thang hành động gần đây trên Biển Đông, bà Glaser dẫn ra hàng loạt động thái của Mỹ như điều tàu tới tuần tra ở khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, điều động máy bay ném bom B-1 tới tập trận.

Chuyên gia khẳng định, Mỹ vẫn đang tiếp tục khẳng định quyền tự do đi lại ở khu vực này, giống như điều họ làm nhiều năm qua. Chuyên gia Mỹ cho rằng các hoạt động này cần được thực hiện một cách thường xuyên và hiệu quả, nhằm đưa ra các thông điệp mà Mỹ muốn chuyển tải. 

Video: Thế giới chỉ trích Trung Quốc hung hăng ở biển Đông 

Không chỉ có Mỹ, một số quốc gia khác thời gian qua cũng gia tăng hiện diện để thách thức các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong đó có việc Australia tham gia tập trận với Mỹ, Nhật Bản đi tàu qua khu vực này. Ngoài ra các quốc gia châu Âu như Anh, Pháp cũng đánh tiếng về việc sẽ cho tàu chiến đi qua Biển Đông để duy trì tự do hàng hải.

Bà Glaser tin rằng việc nước gia tăng hiện diện và có các động thái trên Biển Đông là dấu hiệu cho thấy họ quan ngại các hành động leo thang của Trung Quốc trong khu vực, cũng như việc Bắc Kinh đang ngăn chặn quyền tự do đi lại ở Biển Đông.

“Tôi cho rằng chúng ta cần kêu gọi thêm nhiều quốc gia tham gia vào nỗ lực này”, bà Glaser.

Song Hy

Tin mới