Sáng 28/5, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ rà soát tổng thể phương thức tuyển sinh của các trường. Trong trường hợp cần thiết sẽ yêu cầu các cơ sở đào tạo liên quan báo cáo, giải trình về những vấn đề mà xã hội quan tâm.
Theo Vụ trưởng, với những vấn đề chuyên sâu về chuyên môn như tổ hợp tuyển sinh đại học, các môn tuyển sinh đầu vào,… cần lắng nghe các đơn vị đào tạo, các chuyên gia trong lĩnh vực cụ thể tương ứng.
Trong cuộc bàn luận về môn Văn trong tổ hợp tuyển sinh ngành Y khoa ở một số trường đại học tư thục, các chuyên gia, các trường đào tạo về y khoa đã lên tiếng trong vấn đề chuyên môn này là rất quan trọng, là tín hiệu rất tích cực.
Sinh viên thực hành xét nghiệm y học. (Ảnh minh hoạ: M.K)
Các phản biện từ xã hội, cộng đồng, từ báo chí, từ các chuyên gia…, các trường cũng tiến hành trao đổi, giải trình với xã hội, với thí sinh, với cơ quan quản lý nhà nước… tất cả đều thể hiện tính tích cực, toát lên tinh thần tự chủ đại học, đi đôi với trách nhiệm giải trình.
Bộ GD&ĐT đánh giá rất cao việc cơ quan báo chí đã truyền tải tiếng nói chuyên môn của các chuyên gia, ý kiến từ các trường đào tạo y khoa… Đây là các góc nhìn rất quan trọng đối với các cơ quan hoạch định chính sách, bà Thuỷ nhấn mạnh. Các ý kiến của các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, phụ huynh và thí sinh là kênh thông tin đa chiều để nghiên cứu, lựa chọn.
Trong vấn đề tuyển sinh và đào tạo ngành Y, lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học nhấn mạnh vai trò của Bộ Y tế đặc biệt quan trọng. Theo quyết định của Thủ tướng, Bộ Y tế chủ trì xây dựng chuẩn chương trình đào tạo của khối ngành Y. Trong đó, phải đảm bảo không chỉ những quy định về chuẩn đầu vào, mà còn các yêu cầu khác về điều kiện chất lượng và chuẩn đầu ra cho từng lĩnh vực, nhóm ngành, ngành đào tạo.
Chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo cần xác định rõ những yêu cầu tối thiểu về trình độ, năng lực, kinh nghiệm phù hợp với từng trình độ, ngành và định hướng đào tạo mà người học cần đáp ứng để có thể học tập thành công và hoàn thành tốt chương trình đào tạo.
Khi quy định về chuẩn đầu vào, Bộ Y tế cần có quy định rõ các yêu cầu về kiến thức, năng lực… của người học, trong đó có thể có yêu cầu về kiến thức các môn trong tổ hợp xét tuyển hay bài thi đánh giá năng lực đầu vào.
Vụ trưởng nói thêm, những trường đại học có hình thức, cách thức tuyển sinh không phù hợp, đầu vào tuyển sinh quá thấp… sẽ chịu ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, chất lượng đào tạo, về lâu về dài chắc chắn thí sinh sẽ không lựa chọn vào học.
Mùa tuyển sinh đại học 2023 gây bất ngờ khi 4 trường đại học công bố đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y.
Cụ thể, trong 4 phương thức xét tuyển vào trường Đại học Văn Lang (TP.HCM) năm 2023 có 3 tổ hợp truyền thống A00, B00 và D08 và 1 tổ hợp mới D12 (Ngữ văn, Hóa học, tiếng Anh).
Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) và trường Đại học Tân Tạo (Long An) sử dụng tổ hợp B03 (Toán, Ngữ văn, Sinh học) trong phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển ngành Y khoa.
Trường Đại học Duy Tân cũng xét tuyển ngành Y bằng 4 tổ hợp: A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn), B00, D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ) và D08.
Việc các trường đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển khiến dư luận tranh cãi. TS Hoàng Đức Bách, Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc các trường bổ sung môn Văn vào xét tuyển ngành Y không có ý nghĩa thực sự, chỉ đơn thuần các trường đang muốn gia tăng cạnh tranh, thu hút thí sinh "bằng mọi giá". Tổ hợp tuyển sinh lạ trên chỉ xuất hiện ở các trường tư, trường khó khăn tuyển sinh, những trường đại học lớn trong khối ngành Y Dược không thực hiện điều phi lý này.
Vị TS, bác sĩ này cho rằng, việc tuyển sinh như vậy có nhiều điều đáng lo ngại, bởi ngành Y không chỉ cần người giỏi mà cần người rất phù hợp. Để theo đuổi được ngành Y thì năng lực học tập là không thể đủ, ngành Y cũng không phải ngành để đào tạo đại trà.
Ngược lại, PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam ủng hộ việc một số trường đại học tuyển sinh ngành Y có môn Văn.
"Đây không phải lần đầu tiên dư luận xôn xao về vấn đề này. Từ năm 2018, khi trường đầu tiên đưa môn Văn vào xét tuyển đã gây ra các ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận chất lượng sinh viên vẫn được đảm bảo và đây cũng coi là bước thử nghiệm để các trường đại học khác nhìn vào", ông nói.