Tại Nghị định số 81 năm 2021 của Chính phủ quy định các trường hợp sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học một trong các chuyên ngành: lao, phong, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần và giải phẫu bệnh tại các trường y dược công lập theo chỉ tiêu đặt hàng của nhà nước sẽ được miễn hoàn toàn học phí.
Sinh viên Y Dược thực hành. (Ảnh minh hoạ: N.N)
Cùng với đó, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người, dân tộc thiểu số ở vùng kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo… đang theo học các ngành, trường công lập thuộc lĩnh vực Y Dược sẽ được miễn giảm học phí theo quy định tại Nghị định số 81.
Với các đối tượng khác, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực Y Dược, đặc biệt các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở khi điều kiện ngân sách nhà nước cho phép, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Dự kiến từ năm 2025, theo lộ trình đổi mới của Bộ GD&ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có sự thay đổi, điều chỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường thuộc khối sức khỏe cũng sẽ có phương thức tuyển sinh mới.
Ở các kỳ tuyển sinh trước, việc tổ chức kỳ thi riêng là vấn đề được các trường đào tạo khối ngành sức khỏe bàn thảo và mong sớm thống nhất triển khai. Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, các trường Y Dược sẽ có 2 năm để chuẩn bị phương thức tuyển sinh phù hợp.