Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

ĐBQH: 'Xét tuyển ngành Y bằng môn Văn là đột phá nhưng tiềm ẩn rủi ro'

(VTC News) -

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng việc một số đại học xét tuyển ngành Y bằng môn Văn là sự đột phá nhưng cần tính toán, quản lý nghiêm chất lượng.

Tổ hợp 'lạ' xét tuyển ngành Y

Mùa tuyển sinh đại học 2023 gây bất ngờ khi 4 trường đại học đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y. Trong 4 phương thức xét tuyển vào trường Đại học Văn Lang (TP.HCM) năm 2023 có 3 tổ hợp truyền thống A00, B00 và D08 và 1 tổ hợp mới D12 (Ngữ văn, Hóa học, tiếng Anh).

Trường Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) và trường Đại học Tân Tạo (Long An) sử dụng tổ hợp B03 (Toán, Ngữ văn, Sinh học) trong phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT để tuyển ngành Y khoa. Trường Đại học Duy Tân cũng xét tuyển ngành Y bằng 4 tổ hợp: A16 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngữ văn), B00, D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ) và D08.

Sinh viên Y Dược thực hành lâm sàng. (Ảnh minh hoạ)

Việc các trường đưa môn Văn vào tổ hợp xét tuyển khiến dư luận xôn xao. Lý giải về tổ hợp 'lạ' trong xét tuyển ngành Y, đại diện trường Đại học Văn Lang khẳng định, trường đưa tổ hợp này vào tuyển sinh ngành Y khoa dựa trên kinh nghiệm làm việc, quá trình đào tạo và khảo sát nhiều bác sĩ lâu năm.

Nhu cầu bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân ngày một tăng cao. Ở giai đoạn trước, chúng ta không chỉ tập trung vào khám chữa bệnh mà còn quản lý sức khỏe, tư vấn sức khỏe, phòng bệnh từ xa, nâng cao sức khỏe. Mặt khác, tuyến y tế cơ sở là đơn vị thường xuyên tiếp xúc với người dân, chia sẻ, động viên, tư vấn nhiều chiều. Do đó, những sinh viên giỏi Văn sẽ tư duy xã hội tốt hơn.

Về băn khoăn lý do không chọn các tổ hợp có môn Toán mà lại chọn Văn, đại diện trường Đại học Văn Lang nói: "Trong các khảo sát, nghiên cứu, hầu hết sinh viên giỏi toán cao cấp nhưng trong 6 năm học y (thậm chí đến thạc sĩ, tiến sĩ) đều không sử dụng kiến thức về toán nhiều, chỉ dùng toán thống kê để nghiên cứu khoa học".

Trường tuyển sinh 4 tổ hợp, trong đó, 3/4 đều sử dụng môn Toán để xét. Do đó, việc đưa môn Văn vào xét là hướng đi mới cho những học sinh toàn diện, đặc biệt các em giỏi Văn. Bác sĩ mà giỏi Văn sẽ rất thuận lợi cho công tác phòng bệnh như y tế dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao tư vấn sức khỏe, bác sĩ gia đình, tâm lý trị liệu, tâm thần học...

Đột phá hay liều lĩnh?

Năm 2014, Bộ trưởng Y tế lúc bấy giờ từng hưởng ứng đề xuất của một số hiệu trưởng trường Y, Dược về việc đưa môn ngữ Văn vào tổ hợp xét tuyển ngành Y. Lãnh đạo ngành y tế khi đó cho rằng môn Ngữ văn rất cần cho cán bộ ngành Y, giúp nói năng lưu loát, diễn đạt văn bản rõ ràng, đúng ngữ pháp.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) đánh giá, việc các trường đại học đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y là đổi mới, đột phá. Thế nhưng, bất kỳ sự đột phá nào cũng tiềm ẩn rủi ro, cần quản lý, giám sát chặt chẽ, tránh "trăm hoa đua nở", xuất hiện nhiều tổ hợp lạ vào ngành Y.

"Thời gian quan, xã hội nổi cộm lên vấn đề y đức và cách ứng xử của các y bác sĩ với bệnh nhân. Đó là nguyên do khiến các trường quyết định đưa môn Văn vào xét tuyển", bà Nga nói.

Cùng với đó, theo quy định của Bộ GD&ĐT, ngưỡng đảm bảo chất lượng với học sinh xét tuyển vào ngành Y cần học lực trung bình 3 năm THPT từ 8.0 trở lên, đồng nghĩa chỉ các em giỏi mới đủ điều kiện nộp hơ sơ xét vào các trường Y Dược

Với học sinh học giỏi môn Sinh học, thì thông thường cũng sẽ học tốt khối tự nhiên các môn Toán, Hoá. Các môn này có sự liên kết chặt chẽ với nhau và được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Do đó, việc các trường đưa thêm môn Văn vào tổ hợp Toán, Sinh, Văn hay Hoá, Sinh, Văn là điều có thể chấp nhận được. Chỉ những cơ sở giáo dục nào xét tuyển ngành Y không có môn Sinh mới đáng lo ngại.

Trong đào tạo ngành Y, chất lượng sinh viên, chuyên môn là hai yếu tố quan trọng nhất. "Để thận trọng hơn, các trường chỉ nên coi môn Văn là tiêu chí phụ khi xét tuyển hồ sơ đầu vào", bà Nga nêu ý kiến.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đức Bảo, trường Đại học Y Dược Huế (Đại học Huế) ủng hộ việc tuyển sinh ngành Y có thêm môn Văn. Môn Văn góp phần giáo dục con người sống có tình cảm và nhân văn hơn. Từ đó giúp bác sĩ bớt máy móc, khô cứng, vô cảm trong đối xử với bệnh nhân.

"Việc đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y không thể làm thay đổi nhân cách con người ngay nhưng giúp định hướng người học coi trọng môn học này ngay từ nhỏ", vị chuyên gia nói.

Hiện những học sinh có ý định hoặc được định hướng theo ngành y thường chỉ học ba môn khối B. Trong khi nhiều nước trên thế giới tuyển sinh ngành Y không làm như vậy. Nhiều nước trên thế giới, khi tuyển sinh ngành Y, họ thường phỏng vấn thí sinh để biết được động cơ theo nghề y, qua đó cũng biết được thêm tính cách có phù hợp với nghề hay không. Những yếu tố này rất quan trọng đối với người chọn học ngành y và làm nghề y.

Thực tế, nhiều giảng viên đánh giá sinh viên y khoa hiện nay khả năng hệ thống vấn đề, khả năng tự học kém... dù trúng tuyển đại học với số điểm rất cao.

"Trong tuyển sinh ngành Y, môn Văn chỉ là phụ, điều cần quan tâm là tổ hợp được các trường đưa ra xét tuyển có môn Sinh học hay không - môn học này tiên quyết, không thể thiếu. Nếu tuyển sinh ngành Y mà tổ hợp xét không có môn Sinh mới cần tuýt còi ngay", vị tiến sĩ nêu quan điểm.

Sinh viên trường y dược. (Ảnh minh hoạ)

PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nguyên Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam ủng hộ việc một số trường đại học tuyển sinh ngành Y có môn Văn.

"Đây không phải lần đầu tiên dư luận xôn xao về vấn đề này. Từ năm 2018, khi trường đầu tiên đưa môn Văn vào xét tuyển đã gây ra các ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận chất lượng sinh viên vẫn được đảm bảo và đây cũng coi là bước thử nghiệm để các trường đại học khác nhìn vào", ông nói.

Bác sĩ ngoài khả năng khám chữa thì việc tư vấn rất quan trọng, thực tế nhiều bác sĩ kỹ năng tư vấn kém do quen sử dụng các ngôn ngữ chuyên môn, bệnh nhân nghe không hiểu.

Các trường đưa môn Văn vào xét tuyển là hợp lý, tuy nhiên 2 môn còn lại của tổ hợp phải thuộc khối Khoa học Tự nhiên: Hoá - Sinh hoặc Toán - Sinh. "Ngoài vấn đề y đức, kỹ năng tư vấn bệnh nhân thì chuyên môn vẫn là ưu tiên hàng đầu", ông Cảnh cho hay.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên hệ thống HOCMAI phản đối việc đưa môn Văn vào xét tuyển ngành Y. "Việc bổ sung môn Văn vào xét tuyển ngành Y không có ý nghĩa thực sự, chỉ đơn thuần các trường đang muốn gia tăng cạnh tranh, thu hút thí sinh. Điều này chỉ xuất hiện ở các trường tư, trường khó khăn tuyển sinh", ông nói.

Thầy giáo này cho rằng, việc tuyển sinh như vậy có nhiều điều đáng lo ngại, bởi ngành Y không chỉ cần người giỏi mà cần người rất phù hợp. Để theo đuổi được ngành Y thì năng lực học tập là không thể đủ, ngành Y cũng không phải ngành để đào tạo đại trà.

Hà Cường

Tin mới