Bộ phim Đất rừng phương Nam khởi chiếu từ ngày 16/10. Mặc dù chỉ là nhân vật phụ trong phim nhưng bác Ba Phi do Trấn Thành thủ vai đã nhận được sự chú ý của khán giả ngay từ khi phim chưa ra mắt.
Đến thời điểm hiện tại, nhân vât này vẫn gây nhiều tranh cãi cho khán giả. Trên các hội nhóm bàn luận về phim ảnh, từ khóa “bác Ba Phi” được quan tâm hơn hẳn nhân vật chính.
Tạo hình nhân vật bác Ba Phi của Trấn Thành.
Một số người bày tỏ sự khó chịu đối với diễn xuất của Trấn Thành, thậm chí có người còn cho rằng, nhân vật mà Trấn Thành thể hiện sai lệch với hình tượng bác Ba Phi vốn quen thuộc trong văn hóa của người dân Nam Bộ.
Nam diễn viên đã đưa vào nhân vật của mình những màn “dạy đời” đậm chất Trấn Thành, khiến hình ảnh bác Ba Phi trở nên xa lạ với khán giả.
Những câu thoại như: “Dân mình hiểu đất mình, dân mình thương đất mình, đất trời sẽ che chở cho chúng ta" đã biến bác Ba Phi của Đất rừng phương Nam bản điện ảnh bị nhiều người gọi là “bác Ba đạo lý”, nặng nề và “giả trân” như đang diễn kịch.
“Nói trạng” là “thương hiệu” của bác Ba Phi trong các tác phẩm văn học. Tuy nhiên, bác Ba Phi nói quá mà vẫn dí dỏm, gần gũi, đầy thuyết phục chứ không hề nặng về sự khoa trương.
Nhiều khán giả nhận định Trấn Thành đã phá hỏng hình tượng nhân vật bác Ba Phi.
Đặc biệt, màn “tranh công” cứu Võ Tòng của bác Ba Phi do Trấn Thành đảm nhiệm càng khiến nhiều người tranh cãi. Cụ thể, trong cảnh quay “nói trạng” ở quán rượu bà Tư Béo, bác Ba Phi kể lại chuyện bản thân cứu Võ Tòng một cách cường điệu:
“Bữa đó tao chứng kiến, tụi lính vừa đưa súng, Võ Tòng gầm lên, trời sấm sét, tụi lính sợ đái ra quần như xả lũ, còn tinh thần đâu mà bắn? Ba Phi tao thấy đúng lúc, chụp cái liềm cắt lúa phóng đứt sợi dây thòng lọng.
Võ Tòng huýt một tiếng sáo, từ đâu một đám trâu mộng, lao vô ủi đám quân lính té nhào. Rồi cha Võ Tòng nhảy xuống sông, được ông cá hô chở đi mất".
Trên thực tế, bác Ba Phi không hề xuất hiện ở phân đoạn cướp pháp trường nên càng không có chuyện cứu Võ Tòng. Việc nhân vật bác Ba Phi tuyên bố như thế khiến nhiều người cho rằng, nó đã vượt quá sự dí dỏm, hài hước mà trở thành sự tranh công.
Bác Ba Phi của Trấn Thành đang gây tranh cãi cho khán giả.
Tình tiết này bị cho là hoàn toàn trái ngược với tính cách hào sảng, ngay thẳng của bác Ba Phi trong nguyên mẫu đời thực và trong bản phim truyền hình. Chính vì vậy, nam diễn viên nhận về không ít chỉ trích từ khán giả vì cho rằng anh đã phá hỏng hình tượng bác Ba Phi – niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân Nam Bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số ý kiến ủng hộ Trấn Thành trong việc “làm mới” nhân vật của mình. Những người này cho rằng bộ phim Đất rừng phương Nam bản điện ảnh chỉ lấy cảm hứng từ tiểu thuyết cùng tên nên các nhân vật cũng sẽ không cần giống với nguyên tác.
Những người này cho rằng cách tiếp cận của mỗi người mỗi khác, hơn nữa đây chỉ là nhân vật phụ của phim, không cần quá chú trọng tới để tránh làm loãng sự chú ý dành cho nội dung phim nói chung.
Trấn Thành muốn xây dựng hình ảnh bác Ba Phi cho riêng mình.
Bản thân Trấn Thành cũng từng chia sẻ rằng anh sẽ sáng tạo để nhân vật bác Ba Phi của mình khác biệt hơn. Nam diễn viên nói: Ban đầu tôi ngại ngần khi đạo diễn mời đóng vai kinh điển. Dù vậy, tôi thích thử thách này vì kích thích sự sáng tạo. Tôi tin phiên bản của tôi hoàn toàn mới, sẽ không chỉ bước ra, kể chuyện vui, nói dóc như bản cũ, mà có nhiều vai trò hơn. Tôi hy vọng được mọi người yêu thích qua vai diễn này".
Trong buổi giao lưu ra mắt phim Đất rừng phương Nam tại TP.HCM, nghệ sĩ Mạc Can – người từng “đóng đinh” với hình tượng nhân vật bác Ba Phi bản điện ảnh cũng nhận định:
“Trấn Thành còn trẻ và có những sáng tạo riêng tôi đâu biết được. Nhiều khi cái đó xuất sắc thì sao? Còn về chuyện khuôn mặt, vóc dáng trẻ quá thì phải cố gắng làm sao cho giống bác Ba Phi thiệt. Bởi vì người diễn viên khi vào phim phải giống nhân vật".
Nghệ sĩ Mạc Can trong buổi giao lưu ra mắt phim "Đất rừng phương Nam" bản điện ảnh.
Còn về hình tượng bác Ba Phi trong lòng khán giả, nam nghệ sĩ gạo cội cũng nhấn mạnh rằng “khỏi cần giữ”. Vì đối với nghệ sĩ Mạc Can: “Người ta dám đóng lại nghĩa là có tự tin. Tự tin chứ. Phải làm hay hơn, mà hay hơn thì đáng quý. Tóm lại, ai mà đóng sau, đóng cái vai người ta từng đóng rồi thì hay".
Riêng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thì khẳng định ngắn gọn: "Tôi chọn Trấn Thành vào vai bác Ba Phi vì sự hoạt ngôn, khả năng biến hoá linh hoạt. Nếu không phải Trấn Thành thì tôi cũng không còn sự lựa chọn nào khác".