Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

TP.HCM: Rau củ quả ở chợ mắc gấp đôi trong siêu thị, dân đã khó càng khó hơn

(VTC News) -

Giá mặt hàng rau củ quả ở các chợ truyền thống tại TP.HCM đang cao gấp đôi trong siêu thị, khiến nhiều người kêu trời trong khi dịch vốn đã gây nhiều khó khăn.

Cơn bão giá thực phẩm trong những ngày qua ở TP.HCM khiến người dân đã gặp khó khăn vì dịch COVID-19 thì nay lại phải chật vật trong chi tiêu.

Giá thực phẩm tăng vọt tại chợ truyền thống khiến nhiều người phải chật vật trong chi tiêu.

Giá thực phẩm tăng vọt gấp 2-3 lần

Theo khảo sát của phóng viên VTC News trong ngày 13/7, tại một số chợ truyền thống ở TP.HCM, giá thực phẩm trong những ngày này vẫn tiếp tục tăng cao, thậm chí có những loại mặt hàng giá cao hơn gấp 2-3 lần ngày thường.

Hiện giá bắp sú, cải thảo, xà lách được bán lẻ với giá 45.000 - 50.000 đồng/kg tùy loại; cà chua, khoai tây, cà rốt 50.000 - 60.000 đồng/kg; rau bó xôi 60.000 đồng/kg. 

Giá thực phẩm tăng gấp 2-3 lần ngày thường.

Ông Tuấn, ngụ TP Thủ Đức cho biết, cuộc sống bây giờ đã quá khó khăn mà giá cả lại tăng như vậy khiến người dân càng thêm khốn đốn.

"Ví dụ dưa hấu này bình thường 10 ngàn - 12 ngàn mình còn chê mắc mà bây giờ tận 30 ngàn. Những cái không cần thiết thì nó lên không bao nhiêu còn những cái mình dùng hàng ngày như rau củ, thịt, cá thì nó lên vù vù", ông Tuấn nói.

Anh Bình ngụ TP Thủ Đức cũng cho biết, giá thực phẩm tại chợ trong những ngày này đang ở mức "trên trời". "Bình thường tôi mua củ cải trắng chỉ 20 ngàn/kg mà nay lên đến 40 ngàn/kg. Đến các siêu thị thì thấy xếp hàng nối đuôi. Do đó, chỉ có cách mua ở đây", anh Bình cho hay.

Lý giải về giá thực phẩm tăng mạnh, bà Dung - một tiểu thương buôn bán thực phẩm tại chợ Thảo Điền, TP Thủ Đức cho rằng, do tình hình dịch bệnh, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nên nguồn hàng vận chuyển khó khăn, nhất là mặt hàng rau củ quả và thủy hải sản, kéo theo giá nhập tăng so với bình thường nên người bán hàng cũng phải tăng giá để có lời.

"Nguồn hàng cũng ít đi, nhu cầu của người dân lại tăng mạnh cùng với đó là giá tại các đầu mối giao hàng tăng, chi phí vận chuyển hàng cũng tăng nên tiểu thương và nhiều cửa hàng buộc phải tăng giá bán", bà Dung cho biết.

Giá thực phẩm trong siêu thị vẫn ổn định

Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên, giá thực phẩm tại các siêu thị trên địa bàn TP vẫn ổn định, không có nhiều biến động.

Tại siêu thị Co.opmart Đồng Văn Cống, TP Thủ Đức, nhiều mặt hàng thực phẩm giá không thay đổi mấy so với bình thường. Nếu như giá cà chua ngoài chợ truyền thống từ 50 - 60 ngàn/kg thì tại siêu thị này chỉ 26 ngàn/kg. Giá dưa leo tại chợ bán 40 ngàn/kg, trong siêu thị chỉ 19 ngàn/kg. Tương tự, nhiều mặt hàng thực phẩm khác tại siêu thị giá cũng thấp hơn nhiều so với chợ truyền thống.

Giá thực phẩm tại siêu thị Co.opmart Đồng Văn Cống không có nhiều biến động.

Một nhân viên siêu thị Co.opmart Đồng Văn Cống cho biết, giá thực phẩm vẫn không biến động nhiều biến, chỉ tăng rất ít, thậm chí nhiều mặt hàng giá còn giảm hơn so với bình thường. Nguồn hàng thì luôn dồi dào, đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng.

Theo thông tin từ Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), dù chịu nhiều áp lực từ các chi phí phát sinh trong công tác vận tải, vận chuyển, xét nghiệm, một số mặt hàng khó khăn cục bộ và rất nhiều khó khăn về nhân sự nhưng nhà bán lẻ này quyết tâm không tăng giá hàng hóa để chia sẻ áp lực chi tiêu cùng người dân, đồng thời bắt đầu bổ sung các loại thực phẩm chế biến nấu chín để tăng tính tiện lợi mùa dịch.

Tại cửa hàng Bách Hóa Xanh, phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức, theo ghi nhận, giá một số mặt hàng thực phẩm cũng không biến động nhiều về giá. Tuy nhiên vẫn có một số loại thực phẩm giá tăng khá cao.

Trước thông tin phản ánh giá rau, củ bán ra tại nhiều cửa hàng Bách Hóa Xanh tăng cao so với thời điểm trước giãn cách. Mới đây, Bách Hoá Xanh mới đây đã phản hồi chính thức.

Theo Bách Hoá Xanh, Việt Nam đang đối mặt với làn sóng COVID-19 lần thứ 4 và là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.

Để phối hợp cùng Chính Phủ trong công tác chống dịch, đồng hành cùng chính quyền địa phương các tỉnh thành trong việc đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân, chuỗi bán lẻ Bách Hóa Xanh đã nỗ lực hết mình để tiếp tục mở cửa phục vụ khách hàng bất chấp nguy cơ dịch bệnh cho đội ngũ nhân viên (dù đã được nhà nước hỗ trợ ưu tiên chích vaccine).

"Bằng thông cáo này, chúng tôi khẳng định Bách Hóa Xanh không có chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời trong giai đoạn dịch bệnh. Tuy nhiên, chúng tôi không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng", Bách Hóa Xanh cho biết.

Bách Hóa Xanh khẳng định không chủ trương tăng giá bán lẻ để kiếm lời nhưng không thể giữ bán trước đợt dịch.

Nguyên nhân giá thực phẩm tăng, theo Bách Hóa Xanh là do thời gian vận chuyển khó khăn, chi phí nhân công tăng, chi phí lấy giấy xét nghiệm, hư hao hàng sống và từ phía nhà cung cấp.

Lý giải nguyên nhân hàng lương thực, thực phẩm tăng giá, Sở Công Thương TP.HCM cho rằng hiện nay, 2/3 số chợ trên địa bàn TP, bao gồm 3 chợ đầu mối, tạm ngưng hoạt động vì liên quan ca nhiễm COVID-19. Những chợ còn đang mở cửa bán hàng thì tiểu thương không nhập hàng về nhiều trong khi sức mua tăng vọt trong vài ngày qua. Trong một số thời điểm khách đông, lượng hàng còn ít, tiểu thương không có kế hoạch bổ sung nguồn nên đã tự động nâng giá lên cao.

Một lý do nữa là hầu hết các thương nhân chợ đầu mối đang bán hàng qua điện thoại, phải điều chỉnh phương thức giao hàng từ xe lớn chuyển sang xe nhỏ trong khi giá xăng tăng, việc vận chuyển rau củ, thịt cá từ các tỉnh, thành về TP.HCM tiêu thụ gặp khó khăn do các địa phương tăng cường kiểm soát dịch làm gia tăng chí phí xét nghiệm, chi phí thời gian… Tất cả đều tính vào chi phí giá thành nên giá bán đến tay người tiêu dùng biến động theo.

Thế Quang

Tin mới