Sáng 11/12, đại biểu HĐND TP.HCM đã nhất trí thông qua Nghị quyết về chế độ hỗ trợ bổ sung đối với các trường hợp nghỉ việc thuộc diện tinh giản biên chế, nghỉ do dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, nghỉ công tác trước tuổi do không đủ điều kiện tái cử hoặc tái bổ nhiệm tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, cũng như nghỉ công tác trước tuổi nhưng không thuộc diện tinh giản biên chế trên địa bàn thành phố.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 11/12/2024.
Đối với trường hợp hưởng chính sách tinh giản biên chế, thành phố trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; từ năm 21 trở đi, mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, cán bộ được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
TP.HCM chi gần 175 tỷ đồng/năm hỗ trợ hơn 1.000 nhân sự nghỉ việc do tinh giản, sáp nhập. (Ảnh minh họa: Sỹ Đông)
Trường hợp hưởng chính sách tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính là cán bộ, công chức cấp xã, UBND TP.HCM trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, cán bộ được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
Trường hợp hưởng chính sách tinh giản biên chế do sắp xếp đơn vị hành chính là nữ cán bộ, công chức cấp xã, thành phố trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương hiện hưởng; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương mỗi năm đối với người nghỉ hưu trước tuổi.
Trường hợp hưởng chính sách thôi việc ngay được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương để tìm việc làm; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Người nghỉ hưu trước tuổi do không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm các chức vụ, chức danh sẽ được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
Người nghỉ hưu trước tuổi (do nguyên nhân bất khả kháng, sức khỏe giảm sút) được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp thêm 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ bảo hiểm xã hội bắt buộc; từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được trợ cấp thêm nửa tháng tiền lương.
Trường hợp nghỉ việc ngay, nhưng không thuộc đối tượng tinh giản biên chế được trợ cấp thêm 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp thêm 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Về kinh phí thực hiện, cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Đảng, chính quyền, MTTQ, đoàn thể, các hội có tính chất đặc thù và đơn vị sự nghiệp sẽ được ngân sách Nhà nước bố trí dự toán kinh phí. Phần trợ cấp thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị tự chủ tài chính sẽ do đơn vị chi trả từ nguồn cải cách tiền lương và nguồn thu.
Dự kiến ngân sách TP.HCM cần đảm bảm hàng năm cho các khoản hỗ trợ thêm theo đề xuất là khoảng 175 tỷ đồng. HĐND TP.HCM giao UBND TP.HCM triển khai, theo dõi việc thực hiện Nghị quyết, báo cáo kết quả với HĐND TP.HCM.
Từ năm 2020 đến nay, TP.HCM đã sáp nhập Quận 2, 9, Thủ Đức để thành lập TP Thủ Đức; sắp xếp 19 phường thành 10 phường thuộc Quận 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận, TP Thủ Đức. Số lượng dôi dư ở đợt sắp xếp này là 309 người; hiện còn 60 cán bộ, công chức, viên chức dôi dư.
Giai đoạn 2030 - 2035, TP.HCM tiếp tục thực hiện sắp xếp 80 phường thành 41 phường thuộc 10 quận. Dự kiến sau sắp xếp dôi dư 988 người.