Cụ thể, học sinh THCS được hỗ trợ từ 30.000 đến 60.000 đồng/tháng, tùy thuộc vào khu vực học.
Nhóm 1: Gồm TP Thủ Đức và các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân. Học sinh được hỗ trợ 60.000 đồng/em/tháng.
Nhóm 2: Gồm các huyện Nhà Bè, Hóc Môn, Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh. Học sinh được hỗ trợ 30.000 đồng/em/tháng. Mức hỗ trợ này tương đương 100% học phí công lập và được áp dụng cho cả học sinh tư thục.
Học sinh TP.HCM.
Chính sách dự kiến cần 237 tỷ đồng để thực hiện, trong đó: 221 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho hơn 464.000 học sinh THCS công lập; 16 tỷ đồng hỗ trợ học phí cho hơn 30.000 học sinh THCS ngoài công lập.
UBND TP.HCM đã thực hiện hỗ trợ học phí từ năm học 2021-2022, cụ thể: Năm 2021 - 2022: Hỗ trợ 100% học phí công lập; Năm 2022 - 2023: Hỗ trợ một phần chênh lệch do điều chỉnh mức học phí; Năm 2023 - 2024: Hỗ trợ 100% học phí cho học sinh THCS và một phần chênh lệch cho mầm non, THPT.
Theo UBND TP.HCM, chính sách này đã góp phần giảm áp lực tài chính cho phụ huynh, tạo động lực phát triển kinh tế sau dịch COVID-19, đồng thời đảm bảo học sinh không phải nghỉ học vì khó khăn kinh tế.
Chính quyền TP.HCM nhận định, sau 3 năm triển khai, chính sách hỗ trợ học phí đã nhận được sự đồng thuận lớn từ người dân. Chính sách không chỉ giúp phụ huynh an tâm, tạo động lực phát triển kinh tế và khôi phục sản xuất kinh doanh sau thời gian dài ứng phó với dịch bệnh, mà còn đảm bảo học sinh được tiếp tục đến trường, không phải nghỉ học vì khó khăn tài chính.
Đặc biệt, trong năm học 2024 - 2025, TP.HCM quyết định áp dụng mức học phí các cấp tương đương với mức thu từ năm học 2021 - 2022. Trước bối cảnh này, việc miễn học phí được xem là một yêu cầu cần thiết, vừa tạo dấu ấn sâu sắc vừa thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với sự nghiệp giáo dục.