Đây là chính phủ đầu tiên của Nga được thành lập theo thủ tục, quy định của hiến pháp sửa đổi năm 2020. Trước khi được bổ nhiệm, Quốc hội Nga xem xét và thông qua danh sách tất cả các ứng viên. Sau khi một trong hai viện của quốc hội chấp thuận, Tổng thống ký sắc lệnh thông qua danh sách thành viên chính phủ.
Cùng với thủ tướng, chính phủ mới của Nga gồm có 10 phó thủ tướng và 21 bộ trưởng. Số lượng các bộ không thay đổi so với chính phủ trước đó. Năm bộ, cụ thể là Bộ trưởng Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng, Tình trạng khẩn cấp và Tư pháp, trực thuộc tổng thống, trong khi những bộ trưởng còn lại chịu trách nhiệm trước thủ tướng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Putin cũng tái bổ nhiệm các giám đốc cơ quan liên bang gồm Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Sergey Naryshkin, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Alexander Bortnikov, Giám đốc Cơ quan Vệ binh Quốc gia Viktor Zolotov, Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Liên bang Dmitry Kochnev và người đứng đầu cơ quan chính về các chương trình đặc biệt của tổng thống Alexander Linets.
Hôm 10/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh bổ nhiệm ông Mikhail Mishustin làm Thủ tướng Nga.
Sắc lệnh được người đứng đầu Nhà nước Nga ký sau khi Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) thông qua dự thảo Nghị quyết phê chuẩn ông Mikhail Mishustin vào vị trí Thủ tướng.
Trước đó, tại cuộc họp của Duma Quốc gia Nga, các đại biểu đã bỏ phiếu về việc đề cử ông Mikhail Mishustin tiếp tục lãnh đạo Chính phủ Nga trong nhiệm kỳ tiếp theo với kết quả 375 phiếu đồng ý, 57 phiếu trắng và không có phiếu chống.
Phát biểu tại cuộc họp của Duma Quốc gia Nga, Thủ tướng Mikhail Mishustin đã trình bày chương trình hành động của Chính phủ trong sáu năm tới. Theo ông Mishustin, cơ sở hoạt động của Chính phủ Liên bang Nga dưới sự điều hành của ông sáu năm tới chính là Thông điệp liên bang mà Tổng thống Vladimir Putin đã trình bày trước Quốc hội vào cuối tháng 2 vừa qua.
Ông Mikhail Mishustin đưa ra 6 nhiệm vụ mà Chính phủ Nga nhiệm kỳ tới cần phải hoàn thành, gồm củng cố nền kinh tế, bảo đảm chủ quyền công nghệ, chuyển đổi số, tăng trưởng dân số bền vững và hỗ trợ các gia đình có trẻ em, cải thiện phúc lợi của người dân, phát triển cân bằng các vùng và cải thiện cơ sở hạ tầng.