Sáng 3/6, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố đã thông báo nhiều tín hiệu, số liệu tích cực trên các lĩnh vực, cho thấy tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiến triển tích cực với nhiều lĩnh vực cải thiện hơn so với tháng 4 và tính chung 5 tháng, tình hình có nhiều điểm sáng.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP.HCM đã ghi nhận sự khởi sắc tích cực trên nhiều lĩnh vực kinh tế. Doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng, sản xuất công nghiệp xây dựng thoát âm... là những yếu tố giúp kinh tế vượt lên trong quý 2. Dự kiến, tốc độ tăng trưởng GRDP quý 2 của thành phố tăng 5,87% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, ông Phan Văn Mãi nêu rõ, Tổ công tác của Thủ tướng, các Bộ, ngành đã hướng dẫn tháo gỡ 18/30 vướng mắc của thị trường bất động sản, TP.HCM đang tập trung giải quyết 16/36 nội dung thuộc thẩm quyền. Tổ công tác do Chủ tịch UBND thành phố đứng đầu đã họp hằng tuần để giải quyết các vấn đề, dự kiến cuối tháng 6 sẽ phân nhóm, phân định trách nhiệm rất rõ với các dự án bất động sản cụ thể.
Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn về thị trường, đơn hàng, thủ tục, phòng cháy chữa cháy. Số doanh nghiệp thành lập mới có tăng nhưng quy mô vốn giảm. Các thị trường bất động sản, trái phiếu phục hồi nhưng chưa mạnh… Vì vậy, cần củng cố, nuôi dưỡng và quản lý nguồn thu để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời.
Theo ông Phan Văn Mãi, trong thời gian tới, TP.HCM tập trung sơ kết nửa nhiệm kỳ về phát triển kinh tế - xã hội gắn với tiếp tục triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị và cụ thể hóa Nghị quyết đang được Quốc hội xem xét thông qua về TP.HCM; tập trung tháo gõ khó khăn cho bất động sản; phấn đấu giải ngân 35% vốn đầu tư công trong quý II; dự kiến ngày 18/6 sẽ khởi công đường Vành đai 3; triển khai các chương trình khuyến mãi, kích cầu du lịch trong 3 tháng hè; tập trung cao cho chăm lo an sinh xã hội.
Báo cáo tại phiên họp về tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu Lạng Sơn hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nhìn nhận nguyên nhân do lượng hàng hóa rất lớn tập trung trong thời gian gắn, trong đó hoa quả mùa vụ chiếm tới 85%.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị các biện pháp đồng bộ như các địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hoa quả trong nội địa; các doanh nghiệp cân nhắc, lựa chọn cửa khẩu phù hợp, tránh dồn về một địa điểm; các Bộ, ngành tiếp tục cải cách các thủ tục kiểm tra chuyên ngành như kiểm dịch; trao đổi với phía Trung Quốc để đẩy tốc độ thông quan hơn nữa và mở thêm một số cửa khẩu đã đóng trong đại dịch.
Ông Hồ Tiến Thiệu thông tin, mỗi ngày, tỉnh Lạng Sơn thông quan 1.000 - 1.200 container, tương đương trên 20.000 tấn hàng hóa, hiệu suất thông quan so với trước dịch đã có lúc cao hơn.
Đơn cử với nền tảng cửa khẩu số, hàng hóa được khai báo từ trước, cửa khẩu Hữu Nghị mỗi ngày thông quan 700 xe trong khoảng 10 tiếng và làm việc tới 20h, trung bình 1 xe chỉ mất 45 giây. Thời gian thông quan trung bình tại cửa khẩu Tân Thanh lâu hơn (khoảng 1,5 phút) do nhiều hàng hóa không chính ngạch, mất nhiều thủ tục hơn.
Cũng tại phiên họp sáng 6/3, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho hay, giải ngân đầu tư công đã đạt 34%, nằm trong nhóm đầu cả nước; tỉnh cũng cơ bản giải phóng xong mặt bằng cho cầu Rạch Miễu, khởi động tuyến đường ven biển… Để duy trì tốc độ giải ngân, Bến Tre sẽ tiếp tục kiểm tra, đôn đốc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện 11 công trình, dự án trọng điểm; trong đó, ưu tiên nguồn vốn cho giải phóng mặt bằng, nhất là những dự án trọng điểm.
Đặc biệt, trước tình trạng giá dừa giảm sâu và kéo dài (trên 1 năm), tỉnh đã có nhiều nỗ lực tìm giải pháp như trực tiếp làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc. Chủ tịch UBND tỉnh và Bộ trưởng Bộ Công Thương làm việc trực tiếp tại tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) để thúc đẩy tiêu thụ dừa chính ngạch… nhờ đó, đến nay giá dừa đã tăng.
Lãnh đạo tỉnh Bến Tre kiến nghị cơ chế đặc thù cho mỏ cát Ba Lai (khoảng 15 triệu tấn) để vừa cung cấp cho các dự án hạ tầng trong tỉnh và cả đường Vành đai 3, 4 TP.HCM, vừa khôi phục và nâng cấp sông Ba Lai là dự án lớn nhằm xây dựng hồ chứa nước ngọt Ba Lai.
Trả lời ngay kiến nghị này, Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo, tỉnh phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý vấn đề quy hoạch mỏ cát này trong vòng 15 ngày.