Chiều 19/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia và Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng tổng kết nhiệm vụ năm qua, triển khai nhiệm vụ năm nay.
Thủ tướng nhấn mạnh, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế có cải thiện nhưng cũng còn nhiều điểm hạn chế, nếu nỗ lực chúng ta có thể làm tốt hơn. Do đó, chúng ta cần một cơ chế đủ mạnh để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Dẫn lại phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, năm 2020 là năm thắng lợi nhất trong 5 năm qua và chưa bao giờ đất nước ta có được uy tín vị trí cơ đồ như ngày hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc điểm lại những thành tựu phát triển kinh tế quan trọng của đất nước và nêu rõ chúng ta đã chuẩn bị cho một nền tảng quan trọng cho năm 2021 và 5 năm đến một cách căn bản, về năng lực sản xuất kinh doanh, về hệ thống kinh tế vĩ mô.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Nhất là, người dân đã vào cuộc mạnh mẽ trước thử thách của dịch bệnh COVID-19, có thể nói một dân tộc bừng lên sức sống mãnh liệt, đoàn kết thống nhất cao, ý chí khát vọng phát triển, đây chính là nền tảng rất quan trọng để chúng ta thổi luồng sinh khí mới trong phát triển thời gian tới, thực hiện các nhiệm vụ đặt ra cho các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan trong bối cảnh quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, Thủ tướng cho rằng, chúng ta chấp nhận sự thay đổi trong điều kiện mới, thay đổi cả thói quen, thậm chí phải thay đổi cả thể chế pháp luật phát triển về kinh tế thì doanh nghiệp và người dân sẽ tăng cường, đầu tư đổi mới sáng tạo, thực hiện tốt khát vọng phát triển: "Các đồng chí đều nói ý rất quan trọng, nếu thể chế pháp luật tốt hoàn thiện thì doanh nghiệp và người dân sẽ tăng cường đầu tư đổi mới sáng tạo và thực hiện tốt khát vọng để phát triển. Chính vì vậy một lần nữa tôi nhấn mạnh vấn đề thể chế đặt ra cho đất nước ta để phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn non song đất nước phát triển”.
Chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, Thủ tướng lưu ý các bài học đề phòng lạm phát, nợ xấu. Chất lượng tăng trưởng có cải thiện nhưng còn nhiều điểm hạn chế, vẫn chưa có một số cơ chế đủ mạnh để khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thực sự là động lực nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Môi trường đầu tư-kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng còn nhiều rào cản, nhất là vẫn còn tình trạng tham nhũng vặt... Thu hút đầu tư nước ngoài đóng góp tích cực cho nền kinh tế nhưng sự liên kết giữa khu vực FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo, tỷ lệ nội địa hóa thấp, nhất là đối với ngành công nghiệp ô tô, điện tử…
Thủ tướng đề nghị, Tổ tư vấn và Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, phát hiện những vấn đề mới phát sinh để kịp thời tư vấn với Thủ tướng về những cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp trước tình hình mới.
"Thủ tướng phải dám quyết mạnh mẽ như vừa rồi mới kịp được, các đồng chí thành viên Hội đồng tổ tư vấn có thể nhắn tin cho Thủ tướng hoặc viết những bức thư ngắn đề nghị với Thủ tướng những vấn đề cần quan tâm chỉ đạo ngay rồi tiếp tục triển khai những giải pháp tận dụng các Hiệp định FTA thế hệ mới, vấn đề hoàn thiện doanh nghiệp Nhà nước, những bất cập cần giải quyết đồng bộ tốt hơn".
Trước đó, theo báo cáo tại cuộc họp, trong năm qua, nắm bắt diễn biến kinh tế - xã hội trong và ngoài nước (đặc biệt là các vấn đề diễn biến thương mại Mỹ - Trung, điều chỉnh về chính sách của các nước lớn ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội trong nước), Tổ tư vấn kinh tế và các Thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia đã tư vấn cho Thủ tướng các thông điệp, quan điểm chính sách; góp ý hoàn thiện pháp luật; cơ chế chính sách, chỉ đạo điều hành mới, tham gia xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đề xuất các giải pháp nền tảng, các cải cách đột phá.
Đồng thời, tham gia góp ý văn kiện Đại hội Đảng 13 về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025, trong đó đã có nhiều ý kiến được tiếp thu.
Mặc dù vậy, một số ý kiến tư vấn đặc biệt là các vấn đề có tính thời sự cao chưa đáp ứng được yêu cầu về tiến độ do cơ chế làm việc theo sự vụ, sự xa cách về địa lý giữa các thành viên và hạn chế trong việc tiếp cận các văn bản, tài liệu, thông tin số liệu của các Bộ, ngành, và địa phương.
Nguyên nhân là chưa có sự kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa vai trò điều phối của bộ phận thường trực với các thành viên, cũng như tính chủ động, trách nhiệm, sự trao đổi, chia sẻ thông tin thường xuyên giữa các thành viên...
Để khắc phục những tồn tại hạn chế này, các ý kiến cho biết thời gian tới sẽ chủ động phân tích, đánh giá, dự báo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội sát với thực tiễn để tư vấn với Thủ tướng những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu đề ra, nhất là mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, quan tâm tới tình hình và tác động của đại dịch Covid-19 tới hoạt động kinh tế - xã hội để có các giải pháp thực hiện mục tiêu kép, phát triển kinh tế số và triển khai các hiệp định thương mại tự do.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nêu ý kiến: "WB từng có một nhận định chúng ta không được phép lãng phí cuộc khủng hoảng Covid-19, tôi cho rằng nhận định này đối với Việt Nam là vô cùng ý nghĩa. Nhận diện ở đây là phát hiện ra rất nhiều điều riêng, động lực chuyển sang kinh tế số thế giới đã chuyển rất mạnh không chỉ mỗi chúng ta.
Ý của Thủ tướng khi nói chuyển sang giai đoạn bình thường mới là chuyển sang cấu trúc mới, trong đó kinh tế số phải đẩy lên, đẩy mạnh hơn nữa, có thể nên dành một phần nguồn lực của Nhà nước không chỉ cứu trợ những doanh nghiệp nguy nan mà cũng dành cho việc đổi mới sáng tạo hơn nữa".
Một số ý kiến cũng nhận định, mặc dù ngay từ sớm Chính phủ, Thủ tướng đã rất kiên quyết gia tăng đầu tư công, bù lại khoản đầu tư tư nhân bị yếu đi. Điều này rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế phục hồi thì áp lực lạm phát sẽ gia tăng, cần hết sức lưu ý vấn đề này. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô; thúc đẩy phục hồi tiêu dùng dân cư, đầu tư tư nhân; tiếp tục gia cố thêm chính sách, không đảo chiều chính sách.