Ngày 31/8, tại Đà Nẵng diễn ra Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số nhấn mạnh, chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia.
Trong chuyển đổi số, Việt Nam xác định cách tiếp cận toàn cầu, toàn diện, toàn dân nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể. Cả phía quản lý Nhà nước, cung cấp dịch vụ công và phía đối tượng thụ hưởng, sử dụng dịch vụ công đều phải vận dụng chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị.
Theo Thủ tướng, thời gian qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, chuyển đổi số được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ cả khu vực công và khu vực tư, từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn, từ các cháu nhỏ đến các ông, các bà hay nói cách khác chuyển đổi số đã đến từng ngõ, từng nhà, từng người.
Tư duy, hành động, thói quen của cơ quan hành chính các cấp và người dân, doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính chuyển dần từ giấy tờ truyền thống sang môi trường mạng, giúp nâng cao hiệu quả và năng suất các hoạt động kinh tế - xã hội.
Từ phong trào, xu thế này đã xuất hiện nhiều bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, có những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong chuyển đổi số nói chung, cung cấp dịch vụ công trực tuyến nói riêng.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả rất cơ bản thì còn những tồn tại, hạn chế liên quan tới tư duy, nhận thức, hành động về chuyển đổi số, có nơi, có lúc chưa như mong muốn, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Thêm nữa, hạ tầng số chưa đồng bộ, có nơi, có lúc còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến chưa đạt như kỳ vọng (mới chỉ 17% hồ sơ ở địa phương được xử lý trực tuyến toàn trình).
Thủ tướng lưu ý hội nghị nhìn nhận thẳng những thách thức, tồn tại, bất cập, nhất là những điểm nghẽn, chỉ ra nguyên nhân (cả khách quan và chủ quan) và bài học kinh nghiệm. Phải xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới để thúc đẩy chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam đã trải qua 2 giai đoạn phát triển về dịch vụ công trực tuyến tính từ năm 2011 đến nay. Mục tiêu năm 2025, đối với các bộ, ngành, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt tối thiểu 85% và đối với các địa phương đạt tối thiểu 70%.
Để đạt được các mục tiêu này, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Khung triển khai dịch vụ công trực tuyến để hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương phổ cập dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Khung này sẽ bao gồm các nội dung chính như: Tái cấu trúc quy trình, thành phần hồ sơ trong thủ tục hành chính; Nâng cao chất lượng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; Phát triển hạ tầng số; Xây dựng kho dữ liệu số; Bảo đảm an toàn, an ninh mạng và thực hiện đo lường, giám sát trực tuyến.