Ngày 14/8 tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo "Chuyển dịch hay Chuyển mình - Đón đầu xu hướng để bứt tốc" do JCI Vietnam và JCI Hanoi phối hợp tổ chức. Tại hội thảo, các chuyên gia và nhà quản lý doanh nghiệp chia sẻ nhận định rằng môi trường kinh doanh đang đối diện rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, để phát triển trong thời đại 4.0 với hàng loạt thách thức cũng như cơ hội mới, chuyển đổi số và nâng cao năng lực thích ứng là những yếu tố sống còn với doanh nghiệp.
Hội thảo "Chuyển dịch hay Chuyển mình - Đón đầu xu hướng để bứt tốc" do JCI Vietnam phối hợp JCI Hanoi tổ chức ngày 14/8.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông nhấn mạnh rằng chúng ta đang ở thời đại của VUCA và BANI. Nhưng hơn cả, đây còn là thời đại của Smart, Social, Mobile, và Analytic Cloud, khi mọi thứ đều chuyển động với tốc độ rất cao và dữ liệu trở thành một trọng tâm mới.
Dữ liệu khổng lồ được tạo ra ngày nay trở thành sức gắn kết, đưa người tiêu dùng đến gần nhà sản xuất hơn bao giờ hết. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển thì phải có năng lực thích ứng và mở rộng được không gian tăng trưởng của mình.
Ông Kết đưa ví dụ tại chính doanh nghiệp mình - một đơn vị sản xuất truyền thống với tuổi đời 63 năm và cuộc "chuyển đổi kép" giữa mà Rạng Đông đã thực hiện để thích ứng. Theo vị doanh nhân, bước vào thời đại mới khi nhân loại đã nhận thức sâu sắc hơn về môi trường và biến đổi khí hậu, bản thân Rạng Đông đã trải qua cuộc chuyển mình lớn tới sản xuất xanh.
Ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông.
"Sau sự cố cháy ở Rạng Đông, chúng tôi chấm dứt, không sản xuất các sản phẩm truyền thống như đèn tròn, đèn huỳnh quang, đèn compact nữa mà bước sang lĩnh vực mới", ông Kết nhấn mạnh, và nói thêm rằng con đường tiếp theo của Rạng Đông chính là chuyển đổi xanh, hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ xanh, nền sản xuất xanh và cuộc sống tiêu dùng xanh.
"Thế nhưng để thực hiện mục tiêu như vậy trong thời đại này thì phải thực hiện chuyển đổi số. Vì chỉ có chuyển đổi số mới tạo cho chúng ta cơ hội và cho chúng ta công cụ thực hiện chuyển đổi xanh", ông Kết nêu rõ.
Trong quá trình chuyển đổi xanh, Rạng Đông cũng nhắm tới sứ mệnh cung cấp giải pháp toàn diện, smart. Công cuộc chuyển đổi số của doanh nghiệp này, theo vị doanh nhân, gồm 6 trụ cột cơ bản, đó là: Hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ 4.0; Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất thông minh, nhằm tăng năng suất lao động và giảm giá thành sản phẩm; Thay đổi quy trình tổ chức; Thực hiện Marketing 4.0; Ứng dụng mô hình kinh doanh số - Digital Business Model; Thực hiện công nghệ số.
Theo ông Kết, nhờ áp dụng chuyển đổi số, doanh nghiệp của ông đã đạt được những con số và dấu mốc thực tiễn, đáng ghi nhận. Chẳng hạn, với công nghệ đèn sợi đốt cũ, để tạo ra độ sáng 1.200 lumens, cần tiêu tốn tới 100W điện, trong đó 80% là vô công (phát nhiệt), chỉ 20% điện năng biến thành ánh sáng. Tuy nhiên, đến tầng công nghệ chiếu sáng thông minh, để tạo ra 1.200 lumens chỉ mất 3-5W, tiết kiệm tới 97%.
Các doanh nhân, chuyên gia tại buổi tọa đàm.
"Mà tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng chính là tiết kiệm căn bản trong chiến lược chuyển đổi xanh. Tiết kiệm điện có nghĩa là không phải xây dựng nhà máy thủy điện, không phải phá rừng, không phải xây dựng nhà máy nhiệt điện mới, giảm phát thải nhà kính", ông chia sẻ.
Để đạt được như vậy, Rạng Đông phải hợp tác với 14 trường đại học và viện nghiên cứu trong nước để tập trung nghiên cứu cả về công nghệ chiếu sáng, công nghệ số và mô hình kinh doanh mới. Sau 5 năm thực hiện chuyển đổi số từ 2019 đến nay, tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp này đã tăng 2,56 lần.
Trước khi chuyển đổi số, mặt bằng tăng trưởng bình quân của Rạng Đông là 8-10%, nhưng sau khi chuyển đổi số, mặt bằng tăng trưởng đã tăng lên 15-20%. "Và cụ thể trong 6 tháng đầu năm 2024, chúng tôi đã tăng trưởng được 35,2%, có thể nói là kết quả rất cụ thể", ông Kết kết luận.
Tại hội thảo, các chuyên gia và doanh nhân khác cũng có những chia sẻ từ thực tiễn doanh nghiệp mình nhằm tạo được động lực bứt phá trong giai đoạn hậu đại dịch và sự thống trị đang đến của AI.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn Phú Thái.
Nói như ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Công ty cổ phần tập đoàn Phú Thái, công nghệ đang phát triển với tốc độ rất nhanh, và "nếu chỉ dừng 1 ngày, thì chúng ta mất 3 ngày cơ hội, và đây là thời điểm bắt buộc phải tăng tốc, phải chạy, còn nếu chỉ đi bộ thì cũng gặp nguy hiểm". Chủ tịch Phú Thái kêu gọi doanh nghiệp và doanh nhân trẻ đây là lúc cần bứt phá bởi nếu không, chỉ 2-3 năm nữa sẽ hối hận nếu không quyết tâm tăng tốc, làm ngay nếu có ý tưởng và vốn.
VUCA (Volatility, Uncertainty, Complexity, Ambiguity) là một khái niệm mô tả bối cảnh kinh doanh hiện đại, nơi các yếu tố thay đổi nhanh chóng, khó dự đoán, và đầy phức tạp. VUCA nhấn mạnh sự không chắc chắn và cần thiết cho khả năng thích ứng và linh hoạt.
BANI (Brittle, Anxious, Nonlinear, Incomprehensible) là một khái niệm mới hơn, xuất hiện nhằm mô tả thế giới hiện đại với những thách thức đặc biệt. "Brittle" chỉ sự mong manh, dễ vỡ; "Anxious" là lo âu, bất an; "Nonlinear" là không theo quy luật tuyến tính; và "Incomprehensible" là không thể hiểu nổi. BANI tập trung vào sự căng thẳng và áp lực tâm lý trong thế giới ngày nay.