Quan điểm trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu kết luận tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về 3 dự án luật do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo, sáng 20/8.
Ba dự án luật gồm: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)
Đề cập đến Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Thủ tướng nhận định, thuế tiêu thụ đặc biệt là công cụ để định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng với một số mặt hàng nhưng cần phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, cần có chính sách để hạn chế tiêu dùng các hàng hóa có khả năng ảnh hưởng tới sức khỏe con người, môi trường, nguồn tài nguyên, các hàng hóa xa xỉ, phục vụ nhu cầu cao cấp.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân, Nhà nước không thất thu thuế; hài hòa giữa mục tiêu thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu hạn chế được mặt tiêu cực từ việc tiêu thụ các mặt hàng này, bảo vệ sức khỏe người dân.
Đồng thời, có chính sách thuế ưu đãi với các mặt hàng cần khuyến khích, như trong kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…
Thủ tướng lưu ý điều hành tránh giật cục, có lộ trình áp dụng phù hợp để các chủ thể liên quan có sự chuẩn bị; cắt giảm thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuế, giảm phiền hà cho người nộp thuế, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người nộp thuế với cán bộ thuế; việc điều chỉnh thuế phải đi đôi với đẩy mạnh chống buôn lậu, trốn thuế; cơ quan soạn thảo giải trình thuyết phục về các chính sách được đề xuất.
Về Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu việc đề xuất sửa đổi tập trung vào những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; kế thừa những quy định còn phù hợp, có tác động tích cực trong luật hiện hành.
Thủ tướng lưu ý, cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa; quản lý được nhưng phải thông thoáng và rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm.
Cùng đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp và thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm thủ tục hành chính, xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian.
Thủ tướng quán triệt thiết kế cơ chế, chính sách để giải phóng nguồn lực tại doanh nghiệp; nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhà nước tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh, then chốt, thiết yếu, những địa bàn quan trọng; có quy định đặc thù với các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh...
Liên quan đến dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Thủ tướng chỉ rõ các quan điểm: mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chống thất thu thuế, nhất là trong các lĩnh vực như thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, bán lẻ…; đẩy mạnh hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong quản lý, thu thuế.
Đồng thời, nghiên cứu một số nội dung để phân cấp cho Chính phủ quy định để bảo đảm điều chỉnh linh hoạt phù hợp tình hình; tháo gỡ những vướng mắc về hoàn thuế, thu thuế…; giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp để nộp thuế dễ dàng, giảm đi lại, mất thời gian.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế, cần ưu đãi thuế cho một số đối tượng phù hợp như doanh nghiệp làm nhà ở xã hội; khuyến khích đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các cơ quan cần rà soát kỹ phạm vi điều chỉnh của các dự án luật, bảo đảm không tạo khoảng trống pháp lý trong quá trình thực hiện so với các quy định tại luật hiện hành; rà soát thêm các quy định tại các luật khác có liên quan bảo đảm rõ ràng, không dẫn đến chồng chéo, mâu thuẫn hoặc có cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng luật.