Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án thu phí không dừng giai đoạn II, Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho phép Viettel được góp vốn thành lập doanh nghiệp để triển khai dự án này với tỷ lệ Viettel nắm giữ 86%, các nhà đầu tư còn lại nắm giữ 14%.
Cụ thể, ngày 17/3/2020, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý chủ trương cho phép Viettel được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp để sớm thực hiện dự án thu phí không dừng giai đoạn II.
Đặc biệt, Thủ tướng cũng đặt yêu cầu phải hoàn thành dự án thu phí không dừng ngay trong năm 2020.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Viết Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (Bộ GTVT) cho biết, với việc Viettel nắm giữ tỷ lệ 86% trong doanh nghiệp dự án thì việc hoàn thành dự án thu phí không dừng trong năm 2020 là hoàn toàn có cơ sở, đáp ứng chỉ đạo của Thủ tướng và Quốc hội.
Hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn I (áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên) và giai đoạn II (áp dụng cho các trạm còn lại trên toàn quốc).
Thủ tướng chấp thuận cho Viettel góp vốn lập doanh nghiệp làm dự án thu phí không dừng.
Với dự án giai đoạn I, có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác.
Dự án này do Công ty TNHH thu phí tự động VETC triển khai thực hiện. Đến nay, công ty này đã lắp đặt, vận hành 40/44 trạm thu phí. Còn 4 trạm trên các tuyến cao tốc do Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chưa thực hiện.
Giai đoạn II được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt đầu tư theo quyết định ngày 15/3/2018 gồm 33 trạm. Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi, lựa chọn liên danh Viettel và các doanh nghiệp về công nghệ khác là nhà đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên hiện nay liên doanh nhà đầu tư chưa thành lập được doanh nghiệp dự án.
Tại các trạm thu phí do địa phương là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đến thời điểm này có 6/19 trạm trên các tuyến quốc lộ và cao tốc đã đầu tư, kết nối với hệ thống thu phí không dừng do Bộ GTVT đang triển khai, 6 trạm đã đồng thuận tham gia kết nối với dự án giai đoạn II để triển khai ngay khi dự án thự hiện đầu tư, 7 trạm khác địa phương đang tự tổ chức thực hiện.
Phản ánh của các doanh nghiệp cho biết, ngoài vướng mắc nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị tại trạm thuộc các dự án do VEC quản lý để hoàn thành giai đoạn I của dự án, thì vướng mắc lớn nhất đối với dự án giai đoạn II là việc thành lập doanh nghiệp dự án của liên doanh nhà đầu tư.
Theo quy định, sau khi quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư, nhà đầu tư phải thành lập doanh nghiệp dự án để thực hiện. Tuy nhiên, theo quyết định tái cơ cấu Viettel được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lại không có doanh nghiệp thực hiện dự án thu phí tự động không dừng nên cần phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép Viettel được góp vốn thành lập doanh nghiệp để triển khai dự án.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam trước đó ký hợp đồng triển khai dự án thu phí không dừng giai đoạn II với liên danh Viettel và một số doanh nghiệp về công nghệ khác
Sau quá trình tiến hành đàm phán, thống nhất tỷ lệ góp vốn để đảm bảo cơ sở thành lập doanh nghiệp dự án, đến ngày 13/3/2020, liên doanh nhà đầu tư đã thống nhất tỷ lệ Viettel nắm giữ 86%, các nhà đầu tư còn lại nắm giữ 14%.
Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT nhiều lần có văn bản, báo cáo đề xuất Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép Viettel được góp vốn thành lập doanh nghiệp để triển khai dự án.