Cụ thể, văn bản số 10471/EPTC-KDMĐ ngày 8/12 gửi Tập đoàn EVN do Phó Giám đốc EPTC Lê Khắc Hưng ký nêu rõ: Trong hai ngày 7 và 8/12/2023, Công ty Mua bán điện đã có 3 văn bản báo cáo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, gồm văn bản số 10418/EPTC-KDMĐ; văn bản số 10421/EPTC-KDMĐ+PC và văn bản số 10461/EPTC-KDMĐ.
“Sau khi rà soát lại, EPTC thu hồi ba văn bản nêu trên”, văn bản nêu.
EPTC thu hồi 3 văn bản đề xuất hạ giá mua điện đối với các dự án điện tái tạo đã hòa lưới. (Ảnh minh họa: EVN)
Trước đó, EPTC có văn bản gửi EVN liên quan đến các nhà máy điện gió và mặt trời được nhà chức trách nghiệm thu sau ngày công nhận vận hành thương mại (COD).
Sau rà soát 38 nhà máy, phần nhà máy điện mặt trời, điện gió đang thanh toán theo giá FIT (giá cố định trong 20 năm) có kết quả nghiệm thu từ cơ quan có thẩm quyền từ ngày vận hành thương mại (COD) hoặc sau ngày này đến thời điểm giá ưu đãi hết hiệu lực (điện mặt trời là 30/6/2019 và 31/12/2020; điện gió 31/10/2021).
Cụ thể, 15 nhà máy, phần nhà máy điện mặt trời đang được thanh toán giá bán điện theo giá FIT 9,35 cent (khoảng 2.300 đồng một kWh); 2 nhà máy điện mặt trời mặt trời thanh toán giá 7,09-7,69 đồng một kWh (tương đương 1.644-1.783 đồng một kWh). Và 11 nhà máy điện gió đang được EVN thanh toán theo giá 8,5-9,8 cent (1.927-2.220 đồng) một kWh.
EPTC đề nghị trong thời gian chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến các dự án trên, EVN thông qua phương án tạm thanh toán cho các nhà máy điện này với giá bằng giá trần khung giá phát điện của Bộ Công Thương.
Cụ thể, điện mặt trời là 1.185-1.508 đồng một kWh; điện gió 1.587-1.816 đồng một kWh. Việc thanh toán dự kiến được áp dụng sớm nhất.
Nếu được EVN chấp thuận, giá tạm thanh toán tới đây của số dự án trên sẽ giảm 25-40% với điện mặt trời, điện gió gần 20%. Điều này được cho là sẽ khiến nhiều dự án năng lượng tái tạo chịu tác động rất lớn vì ảnh hưởng đến dòng tiền, kế hoạch trả lãi vay, vốn vay ngân hàng của doanh nghiệp.
Việt Nam xác định phát triển mạnh loại năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) tới 2030 và 2050 để đạt mục tiêu giảm phát thải về 0% theo cam kết tại COP 26.
Theo đó, tại Quy hoạch điện VIII được phê duyệt hồi tháng 5, công suất các nguồn điện mặt trời dự kiến tăng thêm 4.100 MW vào 2030 và tới 2050 đạt 168.594 - 189.294 MW, sản xuất 252,1-291,5 tỷ kWh.
Điện gió trên bờ dự kiến phát triển 21.880 MW, điện gió ngoài khơi là 6.000 MW vào 2030 và đạt 70.000-91.500 MW vào 2050.