Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tết xa quê của 'Vua ngành rác' David Dương

Sang Mỹ định cư khi mới 18 tuổi, nhưng những ký ức về cái Tết cổ truyền của quê hương vẫn im đậm trong tâm trí của ông “Vua” ngành rác - David Dương.

Sinh sống ở Mỹ từ lâu, nhưng hơn 10 năm nay, ông David Dương - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS) đã liên tục đầu tư về quê hương. Hai dự án lớn nhất hiện nay mà David Dương đầu tư tại Việt Nam đang được đánh giá cao là Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước có tổng giá trị đầu tư hơn 150 triệu USD và dự án Khu công nghệ Môi trường Xanh Long An có tổng đầu tư 500 - 700 triệu USD.

Chính những thành công ấy của ông khiến người ta không ngờ phía sau sự rắn rỏi, bản lĩnh kia lại ẩn chứa những tâm sự khó nói về tình người, về những hoài niệm về cái Tết cổ truyền dân tộc.

PV VTC News đã có những chia sẻ với người đàn ông được mệnh danh là "Vua" ngành rác về những trăn trở vào dịp Tết Nguyên đán Kỷ hợi 2019.

Ký ức giao thừa lắng đọng

Chào ông David Dương, Tết Kỷ Hợi 2019 này ông có về Việt Nam ăn Tết không? Và ông đánh giá thế nào về sự thay đổi hiện nay của Việt Nam?

Tôi sẽ về quê ăn Tết, nhưng có khi chỉ về ngắn thôi. Năm nào các anh em nhân viên, chuyên gia cũng làm việc cật lực kể cả Tết, nên năm nay dự kiến là sẽ về chung vui với các anh em công nhân tại Việt Nam.

Ông "Vua" ngành rác David Dương. (Ảnh: NVCC)

Tôi qua Mỹ khi mới 18 – 19 tuổi, ở mấy chục năm bên đó nên khi về Việt Nam thấy đã khác quá nhiều, khác từ cách đối xử, kinh tế, tốc độ phát triển xã hội, nhận thức... Việt Nam còn dạy cho tôi sự hòa đồng, những diễn biến trong môi trường thực tế, trau dồi tính nhẫn nại.

Đầu tư ở Việt Nam cũng rất khác, nó đòi hỏi mình phải làm việc trực tiếp, nếu mình phát triển theo kiểu mì ăn liền thì rất khó, ở đây buộc phải đầu tư theo dạng lâu dài.

- Là người đã sống ở nước ngoài từ lâu, vậy theo ông khoảnh khắc giao thừa giữa Mỹ và Việt Nam khác nhau như thế nào?

Ở Việt Nam mới có giao thừa chứ bên kia không có. Chính vì vậy, khi chuẩn bị đến giao thừa tôi chỉ ngồi rồi ghi lại những sự kiện, khoảnh khắc để nhớ lại cảm giác của giao thừa.

Ở Mỹ ngày mai vẫn phải đi làm nên tối đâu thức khuya được, phải ngủ sớm. Cho nên nếu chúng tôi ở Mỹ có tổ chức giao thừa cũng chỉ là hình thức cúng, nhớ về phong tục tập quán của quê hương chứ không như ở Việt Nam.

Việt Nam thì giao thừa xong còn đi chùa, nhà thờ rất là tấp nập, chứ không như bên kia, lặng lẽ lắm vì là Tết của mình chứ không phải Tết của người ta.

Nhưng với bất cứ người Việt nào thì đó vẫn là thời khắc lắng đọng nhất, vì nó khép lại ngày làm việc cuối cùng của năm, chuyển giao từ năm cũ qua năm mới. Lúc này anh em công nhân của chúng tôi cũng được nghỉ ngơi, rồi chợ hoa ngày 30 Tết bắt đầu dọn dẹp, ai nấy cũng chuẩn bị đón giao thừa. 

- Điều gì gây khó khăn nhất cho ông mỗi dịp Tết đến, thưa ông?

Có một cái khó là Tết nước mình không phải Tết ở Mỹ, thành ra nếu về đây để gặp tất cả các anh em nhân viên, gặp đầy đủ bạn bè, thăm bà con phải nghĩ đến bên kia. 

Nhưng thật lòng mình cũng muốn về để chung vui với anh em nhân viên, gặp bạn bè, anh chị em ở đây. Để làm được điều đó thì mình phải căn thời gian, xem thời gian nào là hợp lý, có thể là vừa qua Tết cái là chạy qua bên kia liền.

Năm nay, tôi dự kiến là về trước Tết để ở lại qua Tết với anh em, ở được bao lâu thì chưa biết vì phải phụ thuộc vào tình hình công việc cả 2 bên.

 Ông David Dương và cộng sự chuẩn bị sự kiện trao tặng siêu xe rác cho TP.HCM, Long An và Kiên Giang.

Tấm lòng người con xa quê

- Ông có 2 khu công nghệ xử lý rác, 1 ở Mỹ, 1 ở Việt Nam. Vậy ông dành thời gian thế nào để có thể giải quyết công việc ổn thỏa nhất?

Một ngày, nếu ở Mỹ tôi sẽ bỏ ra 10 đến 12 tiếng để lo công việc ở Mỹ, bỏ cho Việt Nam 2 tiếng. Còn nếu ở Việt Nam thì ngược lại, mỗi ngày vào khoảng tối hoặc sáng sớm sẽ làm việc với các chuyên gia ở Mỹ.

Hôm nào tôi cũng thức khuya, vì sau 18h là bắt đầu làm việc với chuyên gia qua mạng để nghe báo cáo. Tôi thường dành 4 tiếng làm việc trên mạng để nghe báo cáo rồi mình chỉ cần góp ý những cái thấy chưa ổn thôi.

Tôi phải cảm ơn đội ngũ ban giám đốc và chuyên gia của mình. Vì tôi chỉ là người lãnh đạo, là người hoạch định chiều hướng và đưa ra những quyết định khi cần thiết. Còn lại hệ thống chuyên gia và ban giám đốc thì họ thực hiện hết.

Hiện nay tôi có thể họp qua video, các công ty có thể ngồi lại để họp với nhau qua mạng, cho nên công việc cũng dễ dàng hơn. Nhưng thời đại công nghệ nhiều khi cũng có cái rất mệt, vì đang đi trên đường cũng phải mở máy ra để làm việc.

- Ông có kỳ vọng gì vào năm 2019 không?

Chúng tôi hy vọng sẽ tạo thêm công ăn việc làm bằng dự án công nghệ mới mà chúng tôi đã trình thành phố. Kinh phí dự trù cho lần thay đổi công nghệ này khoảng 400 triệu USD.

Nếu thành phố chấp nhận chúng tôi sẽ cho ra thị trường rất nhiều sản phẩm, mang lại lợi ích cho xã hội, cải thiện thêm ngân sách của nhà nước vì khi mình sản xuất ra nhiều loại sản phẩm có ích.

Chúng tôi cũng mong muốn rằng thành phố sẽ duyệt việc này. Chúng tôi sẽ làm việc sát sao với thành phố về việc này. Tôi kỳ vọng 2019 sẽ là năm trọng tâm để bổ sung công nghệ mới.

Thường thì cái này phải mất đến 24 tháng mới có thể triển khai, nhưng chúng tôi đã làm việc sẵn sàng, đầy đủ với tất cả các bên, vì khi nộp dự án chúng tôi hứa chỉ trong 12 tháng, nên chúng tôi chuẩn bị hết tất cả. Vì vậy sớm nhất là cuối 2019 hoặc sang 2020 dự án sẽ được triển khai nếu được chấp nhận.

- Cảm giác của ông khi công ty dính vào khủng hoảng truyền thông như thời gian qua?

Khi nghe những thông tin đó thì việc đầu tiên là phải đánh giá lại chính mình, vì mình làm nghề rác. Mà nghề này như kiểu làm dâu trăm họ vậy, vì không trực tiếp vận hành nên tôi phải kiểm tra lại hệ thống vận hành do ban giám đốc làm, coi có đúng quy trình hay không.

Nếu như thấy sơ xuất thì phải cải thiện tốt hơn, còn nếu như mà họ làm tốt rồi thì mình yên tâm. Vì là làm dâu trăm họ nên cũng có người họ không thích thì dù có tốt họ cũng nói thôi. Thế nên dù khen hay chê thì tôi cũng cảm ơn, vì đó là động lực để mình tốt hơn.

Ngoài ra, hàng tuần chúng tôi đều họp lại để xem xét kỹ mình vận hành như thế nào, làm bao nhiêu, máy móc, thiết bị hoạt động tốt không, lượng thuốc… Chúng tôi đánh giá lại tất cả.

Nếu ở Mỹ, ai hỏi tôi làm nghề này để làm gì, thì tôi thẳng thắn trả lời là để kiếm tiền, vì khi tôi đã bỏ công sức ra thì tôi phải được trả lại những gì xứng đáng được nhận.

Còn ở Việt Nam, thì cái chính của nó là vì thành phố, vì quê hương, tôi có cái tâm để làm cho thành phố tốt hơn. Tất nhiên mình cũng kiếm chút lời để làm, để có tiền trang trải cho anh em nhân viên, để dự phòng. Nhưng mục tiêu ở 2 nơi là khác nhau, ở Việt Nam không phải cứ hỏi là tôi nói đến tiền.

- Ngoài làm về rác để cải thiện môi trường, được biết ông còn một quỹ từ thiện, ông có thể chia sẻ thêm?

Tôi đang có một nguồn quỹ để cho vay không lấy lãi. Theo báo cáo thì quỹ này hoạt động rất là tốt. Quỹ này tôi muốn nó thành công, vì khi thành công không chỉ bản thân mà tôi sẽ vận động được nhiều anh em khác  tham hỗ trợ, đầu tư khi họ biết đồng vốn của họ thành công.

 Đội ngũ nhân viên VWS cũng có nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa bên cạnh các hoạt động liên quan đến xử lý rác.

Tôi sẽ lập 1 ban để kiểm tra, kiểm soát để thống kê, thông tin cụ thể về từng trường hợp vay vốn. Như vậy khi mình đi vận động họ thấy hiệu quả sẽ góp vốn vào, anh góp quỹ vào, chúng tôi đảm bảo được nguồn vốn của anh, tên tuổi của anh. Anh bỏ vốn vào đó, đúng ngày đúng tháng chúng tôi trả lại cho anh. Chúng tôi quản lý đồng vốn của anh hiệu quả thì anh đầu tư vào, còn không thành công thì anh không đầu tư nữa.

Theo tôi đánh giá, quỹ hoạt động mà một năm mất không quá 5% là quá tốt rồi. Tôi hy vọng thì quỹ này sẽ tạo ra những người thành công, biết đâu 5 – 10 năm sau họ quay trở lại đóng góp ngược lại cho cái quỹ này.

Thế nhưng những chương trình này chỉ mang tính thời điểm, còn nếu thật sự mình muốn làm về lâu dài, mang lại lợi ích cho xã hội thì phải tập trung làm những cái lớn hơn nhiều. Tôi đang suy nghĩ xem từ giờ đến lúc về hưu xem có đóng góp được gì cho xã hội hay không.

- Cảm ơn ông về những chia sẻ này! Chúc ông một năm mới an khang, thịnh vượng.

Tân Nguyên

Tin mới