Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tàu ngầm Đức từng suýt bắn chìm tàu chở Thủ tướng Anh trong Thế chiến 2

(VTC News) -

Lịch sử của Thế chiến 2 có thể đã có những bước ngoặt nếu vụ tấn công của tàu ngầm U-boat nhắm vào chiếc thiết giáp hạm Anh thành công.

Vào sáng ngày 30/10/1939, chỉ huy tàu ngầm U-boat Wilhelm Zahn đưa tàu của mình đến độ sâu của kính tiềm vọng để quét đường chân trời tìm kiếm mục tiêu. Theo hồ sơ chiến tranh của Đức, chiếc U-56 lúc này đang hoạt động ngoài khơi bờ biển phía bắc nước Anh, ngay phía tây Orkneys. Không lâu sau, Zahn đã bắt gặp nhiều tàu của Hải quân Hoàng gia Anh, bao gồm HMS Nelson và HMS Rodney, hai thiết giáp hạm nòng cốt của Hạm đội Anh vào thời điểm đó.

Chỉ 2 tuần trước, 1 chiếc U-boat khác đã đánh chìm thành công thiết giáp hạm HMS Royal Oak đang neo đậu tại cảng Scapa Flow ở Orkney, khiến hơn 800 người thương vong. Cuộc tấn công táo bạo đã làm nên danh tiếng cho chỉ huy Günther Prien, người đã trở thành sĩ quan tàu ngầm đầu tiên của Đức được trao tặng huân chương Thập tự hiệp sĩ.

Phòng máy của một chiếc tàu ngầm U-Boat.

Cơ hội của người Đức

Giờ đây, Zahn đang đứng trước một cơ hội tương tự để giáng đòn chí mạng vào sức mạnh và tinh thần hải quân Anh, cơ hội này có thể mang đến cho phía Đức một chiến thắng lớn ngay từ đầu cuộc chiến. Nhưng vị chỉ huy 29 tuổi không hề hay biết rằng, một trong những mục tiêu lọt vào tầm ngắm của chiếc tàu ngầm có giá trị lớn hơn rất nhiều so với những gì Zahn có thể tưởng tượng.

Thủ tướng Anh Winston Churchill khi đó đang có mặt trên tàu Nelson, ông đã triệu tập một cuộc họp với lãnh đạo Hải quân Hoàng gia để thảo luận về vụ chìm tàu Royal Oak trước đó.

Trong cuộc họp đó còn có đô đốc Hải quân Charles Forbes và nhiều tướng lĩnh cấp cao và các chuyên gia quân sự hàng đầu của chính phủ. Số lượng tàu chiến Anh bảo vệ quanh khu vực còn có 11 tàu khu trục nữa.

Một số chuyên gia cho rằng việc Zahn chỉ huy chiếc U-56 tiếp cận mục tiêu quan trọng như vậy mà không bị phát hiện là một điều quá kỳ diệu.

Lúc đầu, cơ hội tấn công của tàu ngầm Đức dường như không khả thi vì các thiết giáp hạm đang hướng thẳng về vị trí của con tàu. Tuy nhiên, một lần nữa số phận đã lại mỉm cười với anh khi các tàu chiến Anh bất ngờ chuyển hướng 20-30 độ, đưa chúng vào tầm bắn trực tiếp của chiếc tàu ngầm.

Chiếc đầu tiên lọt vào tầm nhìn của Zahn là thiết giáp hạm Rodney, đang dẫn đầu đội hình tàu Anh. Vị chỉ huy người Đức quyết định để nó lướt qua và ông tập trung vào chiếc thiết giáp hạm tiếp theo, Nelson.

Thiết giáp hạm HMS Nelson.

Ở khoảng cách chỉ còn 800 m, khả năng U-boat bắn trúng mục tiêu là rất cao. "Như một sự sắp đặt lý tưởng, cánh quạt của ngư lôi quay đi một cách êm ái, như trong một buổi tập bắn vậy", Zahn sau này đã chia sẻ.

Khi ba quả ngư lôi lao về phía chiếc Nelson, những người trong U-boat lắng nghe thủy âm để nghe âm thanh của các vụ nổ dưới nước. Nhưng âm thanh không phát ra. Thay vào đó, một người điều khiển sonar trên chiếc U-56 đã nghe thấy 2 trong số các quả ngư lôi đụng trúng chiếc Nelson nhưng không phát nổ.

Còn quả thủy lôi thứ ba đến nay vẫn chưa có lời giải, một số người cho rằng nó cũng va vào thân tàu chiến Anh nhưng không phát nổ, những người khác cho rằng nó trượt mục tiêu và phát nổ chỗ khác. Cuộc tấn công thất bại đã khiến thủy thủ trên tàu Nelson phát hiện ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn dưới nước.

Khi yếu tố bất ngờ không còn nữa, Zahn ra lệnh cho tàu ngầm của mình lặn xuống sâu hơn để tránh bị các thiết giáp hạm dò ra. U-56 bơi sâu vào trong vùng biển Bắc, những gì diễn ra nếu thành công thì có thể là khoảnh khắc thay đổi cuộc chơi trên bàn cờ Thế chiến 2.

Nhiều giờ sau cuộc tấn công, cơ hội bị bỏ lỡ đè nặng lên tâm trí Zahn nhiều đến mức khiến ông không báo cáo ngay vụ việc cho Bộ chỉ huy U-boat. Mãi đến tận tối hôm đó, sau khi ông ra lệnh cho chiếc U-boat nổi lên thì sở chỉ huy mới nắm được.

May mắn đứng về phía người Anh

May mắn rõ ràng đã đứng về phía người Anh vào ngày hôm đó, vì Zahn đã trì hoãn thời gian báo cáo sự việc, Karl Donitz - lúc này đang là chuẩn đô đốc phụ trách lực lượng tàu ngầm U-boat, ông lẽ ra đã có thể cử chiếc U-58 đang hoạt động gần đó tiếp tục tấn công.

Người Đức sau đó đã biết về sự có mặt của Thủ tướng Anh trên tàu Nelson, điều này càng khiến Zahn nổi tiếng với các đồng nghiệp của mình. Cơ hội quý giá này bị bỏ lỡ đã khiến anh rơi vào tình trạng suy sụp sâu sắc, cuối cùng đô đốc Donitz phải cách chức chỉ huy tài ngầm U-56 của Zahn. Vị chỉ huy trẻ này sau đó trở lại Đức để tạm thời làm công việc huấn luyện.

Ngư lôi G7e(TII).

Trong cuốn tự truyện của mình, “Hồi ức: Mười năm và hai mươi ngày”, Donitz mô tả cuộc tấn công là một “thất bại đặc biệt nghiêm trọng” nhưng ông từ chối chỉ trích Zahn, nói rằng anh đã “tấn công hết sức táo bạo” và “không có cách nào để đổ lỗi”.

Bộ chỉ huy tàu ngầm Đức đã được thông báo về các lỗi kỹ thuật với ngư lôi G7e(TII) đang được các tàu ngầm sử dụng vào thời điểm đó và Donitz biết rằng loại vũ khí này là nguyên nhân gây ra sự cố trên.

2 năm sau, vào ngày 30/10/1941, Zahn trở lại chiến đấu, lần này anh nắm quyền chỉ huy tàu U-69. Đây là một giai đoạn ngắn và không thành công đối với Zahn, anh đã không đánh chìm được bất kỳ chiếc tàu nào của phe Đồng Minh trong khoảng thời gian này.

Hơn 4 năm sau, ngày 30/1/1945. Zahn lúc này là một sĩ quan cấp cao trên tàu Wilhelm Gustloff, một tàu vận tải quân sự được giao nhiệm vụ sơ tán dân thường và binh sĩ Đức khỏi Đông Âu khi Hồng quân tiến công.

Zahn kịch liệt phản đối về lộ trình và tốc độ mà thuyền trưởng của con tàu đã vạch ra. Sự phản đối của ông không thể ngăn con thuyền bị tàu ngầm Liên Xô đánh chìm, khiến hơn 9.000 người đã thiệt mạng. Đây là tổn thất nhân mạng lớn nhất do chìm tàu trong lịch sử hải quân, gần gấp sáu lần so với Titanic.

Zahn và thuyền trưởng của tàu Wilhelm Gustloff sống sót sau vụ đắm. Một cuộc điều tra chính thức đã được tiến hành và Zahn được lệnh làm chứng trước hội đồng điều tra, nhưng nước Đức lúc này đã sụp đổ trước khi chân tướng của vụ việc được làm rõ.

Từ sau sự cố đánh hụt tàu chở Thủ tướng Anh và thảm họa hàng hải kinh hoàng nhất từ trước đến nay, cuộc đời của Wilhelm Zahn không có gì đặc sắc. Ông trở về quê nhà và có một cuộc sống bình thường. Ông qua đời vào ngày 14/11/1976, hưởng thọ 66 tuổi.

Lê Hưng (Nguồn: The History)

Tin mới