Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Khí cầu - Phương tiện quân sự hữu ích

(VTC News) -

Khí cầu sẽ có thể “qua mắt” mọi loại radar, rất hiệu quả trong việc vận chuyển binh lính, trang thiết bị quân sự và kinh tế.

Một chuyên gia hàng không hàng đầu của Nga đã đề nghị phát triển khí cầu cho các mục đích vận chuyển, quân sự và du lịch, chỉ ra những lợi thế về chi phí và hoạt động của thiết bị này. 

Sergei Bendin - tổng biên tập tạp chí Aeronautics Bulletin, người đứng đầu chi nhánh Moskva của Ủy ban hàng không thuộc Hiệp hội Địa lý Nga - đã chỉ ra tiện ích của khí cầu, đặc biệt là trong chiến tranh, nơi chúng có thể cung cấp phạm vi giám sát trên không và trở thành một phần của mạng lưới phòng không.

Thời báo EurAsian trước đây đã đề cập đến công dụng của khí cầu đối với các tình huống quân sự của Nga và Trung Quốc. Một số chuyên gia từ lâu cũng đã chỉ ra rằng những khí cầu thời kỳ trước Thế chiến 2 không phải là một hệ thống lỗi thời vì chúng cung cấp các giải pháp hậu cần và kỹ thuật quan trọng cho các vấn đề giao thông vận tải. 

Khí cầu Hindenburg của Đức trước Thế chiến 2.

Sử dụng trong chiến tranh

Bendin giải thích cách vận chuyển binh lính và vật chất quân sự có thể được thực hiện bằng khí cầu. “Có thể đưa xe tăng vào chiến trường, bốc dỡ nhanh chóng mà không cần vào vùng có hỏa lực. Tốc độ trên đường thẳng của khí cầu có thể đạt 200 km/h”, Bendin nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Business Gazetta. 

Nó cũng có thể cung cấp thông tin liên lạc bằng khả năng lơ lửng trên không trung trong nhiều tháng. “Khí cầu treo cách tiền tuyến 20-30 km, cung cấp thông tin liên lạc di động cục bộ và phân phối internet hoặc hệ thống tác chiến điện tử. Ví dụ, một khí cầu không người lái công suất lớn, bay lơ lửng trong một tuần, sẽ bảo đảm liên lạc cho các binh sĩ và sự an toàn trước máy bay không người lái”, Bendin nói thêm. 

Bendin lập luận rằng một chiếc máy bay lớn có thể trở thành mục tiêu dễ dàng cho tên lửa phòng không hơn là khí cầu. Từ sự cố khí cầu thời tiết gây tranh cãi của Trung Quốc vào cuối tháng 2 vừa qua, ông lý giải “khí cầu giống như bóng bay, không làm bằng kim loại hoặc không tỏa nhiệt khi hoạt động. Khi nó bay vào lãnh thổ Mỹ, nó đã bị phát hiện bằng mắt thường chứ không phải bằng radar. Vì nó bay cao nên cũng khó bị vô hiệu hóa”.

Một khí cầu đang hoạt động.

Một bài báo đăng trên Viện Hải quân Mỹ (USNI) cũng nói về hệ thống cảm biến tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa hành trình (JLENS) của quân đội Mỹ. Những thiết bị này chứa đầy khí heli sẽ nâng các nền tảng cảm biến hiện đại được điều khiển từ xa lên độ cao trên 3km. 

Không có cánh hoặc động cơ đốt trong, JLENS có thời gian bay trên không hầu như không giới hạn, nó mang theo hệ thống giám sát và radar điều khiển hỏa lực có thể truyền dữ liệu nhắm mục tiêu tầm xa tới vũ khí trên mặt đất để phòng thủ. 

Trong các phân tích trước đây về cách máy bay không người lái của Ukraine tấn công bên trong lãnh thổ Nga đã khai thác khoảng trống giữa các radar của S-400, kỹ sư Stephen Pendergrast ở San Diego, chuyên về liên lạc radar, sonar và vệ tinh, đã khuyến nghị sử dụng máy khí cầu để có phạm vi phủ sóng radar rộng hơn và sâu hơn. 

Vào tháng 11/2022, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng đã sử dụng 'khí cầu tấn công' trong một cuộc tập trận ở Wusong (Võ Tòng) thuộc tỉnh Chiết Giang. Chúng nhằm mục đích làm cho các chuyến bay tầm thấp của máy bay chiến đấu, trực thăng hoặc máy bay không người lái trở nên nguy hiểm và khó khăn hơn. 

Hình ảnh minh họa khí cầu Aerosmena.

Trong du lịch, giao thông vận tải và du hành vũ trụ

Cố kỹ sư người Nga Orfey Kozlov cũng từng nghĩ ra thiết kế sáng tạo của riêng mình, được gọi là dự án Aerosmena - một chương trình mà Bendin từng lãnh đạo với tư cách là giám đốc điều hành. 

Aerosmena hoạt động độc lập với cơ sở hạ tầng mặt đất, không cần đến cảng, đường bộ, đường thủy, đường sắt, sân bay. Mặc dù chậm hơn và kém cơ động hơn so với máy bay thông thường, nhưng nó có thể bay đến bất cứ đâu, bất kể ngày hay đêm, bay liên tục trong nhiều ngày và nhiều tuần mà không cần hạ cánh.

Khí cầu do Kozlov đề xuất có thể vận chuyển các kiện hàng rắn, cồng kềnh, ngoại cỡ, có trọng tải từ 20 - 600 tấn, phương tiện này có dây treo bên ngoài cho phép nó có thể chất và dỡ hàng hóa khi treo lơ lửng trên mặt đất. 

Điều này có nghĩa là Aerosmena có thể vận chuyển hàng hóa đến các khu vực địa lý khó khăn, chẳng hạn như vùng cực, đảo nhỏ, sa mạc và vùng núi không có kết nối đường bộ. 

Đối với thám hiểm không gian, các vụ phóng từ khinh khí cầu trong tầng bình lưu giúp chi phí rẻ hơn so với việc phóng từ mặt đất. “Bình thường sẽ cần ba giai đoạn để phóng tên lửa từ Trái đất ra vũ trụ, khi sử dụng khí cầu thì chỉ cần một giai đoạn. Chúng ta có thể đưa con người vào không gian từ khinh khí cầu độ cao 20 km”, Bendin nói.  

Tuy nhiên Bendin than thở rằng ngành công nghiệp khí cầu không thể hồi sinh do các nhà đầu tư thiếu kiên nhẫn vì muốn kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Bendin cho biết: “Phải mất từ ​​8 - 10 năm để một doanh nghiệp kinh doanh khí cầu bắt đầu có lãi, bao gồm 5 năm để xây dựng và 3 năm nữa để được chứng nhận".

Lê Hưng (Nguồn: EurAsian)

Tin mới