Hàn Quốc và Mỹ đã ký một thỏa thuận lớn, trong đó cam kết nước này sẽ không phát triển và triển khai vũ khí hạt nhân của riêng mình. Được gọi là “Tuyên bố Washington”, thỏa thuận này cho phép Mỹ triển khai các phương tiện có thể mang vũ khí hạt nhân tới bán đảo Triều Tiên và bảo đảm an ninh cho Hàn Quốc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hạt nhân với Triều Tiên. Đổi lại, Hàn Quốc sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình.
Hiệp định được chính thức hóa vào cuối tháng 4/2023 vừa qua, trong chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đến Mỹ. Trong bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Yoon tuyên bố: “Hai nước đã đồng ý thống nhất hành động trong trường hợp Triều Tiên tấn công hạt nhân và hứa sẽ đáp trả nhanh chóng, áp đảo và dứt khoát bằng cách sử dụng toàn bộ lực lượng của liên minh, bao gồm cả vũ khí hạt nhân".
Một chiếc B-52H của Không quân Mỹ và F-15K Slam Eagle của Hàn Quốc bay qua Căn cứ Không quân Osan, tháng 1/2016.
Tổng thống Yoon cũng nói rằng hai nước sẽ tăng cường chia sẻ thông tin về các kế hoạch vận hành vũ khí hạt nhân và vũ khí chiến lược, đồng thời việc lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động chung kết hợp giữa hai nước sẽ diễn ra thường xuyên hơn.
Đổi lại, “Hàn Quốc cam kết thực hiện các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, khẳng định công khai rằng họ sẽ kiềm chế không theo đuổi vũ khí hạt nhân của riêng mình bất chấp mối đe dọa mà họ phải đối mặt từ Triều Tiên”, theo Washington Post.
Hàn Quốc sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân
Cho đến nay, cam kết của Hàn Quốc là phần quan trọng nhất của thỏa thuận, không chỉ đối với Washington mà cả phần còn lại của Đông Á. Nhiều chuyên gia cho rằng, chính phủ Hàn Quốc đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc đối phó với chính sách phát triển vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy khoảng 70% người dân nước này muốn có vũ khí hạt nhân.
Hàn Quốc cũng đang chế tạo bộ ba vũ khí thông thường, bao gồm tên lửa trên đất liền, tên lửa hành trình phóng từ trên không và tên lửa trên biển, đây là những hệ thống vũ khí cơ bản của bộ ba hạt nhân.
Một tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hyunmoo-2 của Hàn Quốc năm 2017. Hyunmoo-2 có thể đã được sửa đổi để mang đầu đạn hạt nhân.
Theo các chuyên gia phân tích, vấn đề không chỉ là việc Hàn Quốc “đặt ngón tay vào nút bấm hạt nhân”, mà việc Seoul theo đuổi vũ khí hạt nhân có thể sẽ thúc đẩy Nhật Bản chạy đua phát triển thứ vũ khí nguy hiểm này.
Mặc dù được công nhận là một cường quốc phi hạt nhân, nhưng Nhật Bản cũng thường xuyên bị đe dọa bởi vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng được xem là một đối thủ quân sự, mặc dù không phải là đối thủ thù địch của Hàn Quốc.
Nhưng nếu cả hai quốc gia Đông Á này đều có vũ khí hạt nhân sẽ làm tăng nguy cơ một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra. Đồng thời điều này cũng sẽ thúc đẩy Đài Loan chạy đua sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình và biến khu vực này trở thành điểm nóng về hạt nhân trên thế giới.
Cam kết của Mỹ
Để trấn an Hàn Quốc rằng các lực lượng hạt nhân của Mỹ luôn sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống có thể xảy ra, một phần của thỏa thuận Washington liên quan đến việc các lực lượng hạt nhân của Mỹ sẽ tăng cường vị thế trên bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Yoon tuyên bố việc triển khai các vũ khí chiến lược của Mỹ trên Bán đảo Triều Tiên sẽ được thực hiện thường xuyên và liên tục.
Còn theo Lầu Năm Góc, các loại vũ khí như tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, tàu sân bay hoặc máy bay ném bom chiến lược sẽ tới thăm và tập trận cùng Hàn Quốc thường xuyên hơn.
Tàu ngầm tên lửa đạn đạo USS Nevada có thể là tàu ngầm sẽ thực hiện chuyến thăm ở Hàn Quốc thời gian tới.
Một quan chức của Nhà Trắng tiết lộ ngay sau chuyến thăm của ông Yoon tới Mỹ: “Chúng tôi dự định thực hiện các bước để làm cho khả năng răn đe của chúng tôi trở nên rõ ràng hơn thông qua việc triển khai thường xuyên các khí tài chiến lược, bao gồm chuyến thăm của tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Mỹ tới Hàn Quốc, điều chưa từng xảy ra kể từ đầu những năm 1980”.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng sẽ tăng số lần các máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân đến hoạt động tại Hàn Quốc. Mỹ thường luân chuyển 4 máy bay ném bom chiến lược hạng nặng đến châu Âu và châu Á, các máy bay ném bom châu Á thường xuất phát từ căn cứ trên đảo Guam.
Trước đây, các chuyến bay có sự tham gia của máy bay ném bom B-1B, nhưng phi đội B-1B đã bị loại bỏ khả năng mang vũ khí hạt nhân, và các máy bay ném bom B-52 và B-2 đảm nhận vai trò này.
Theo các chuyên gia quân sự, Tuyên bố Washington là một chiến thắng cho tất cả các bên. Hàn Quốc và Nhật Bản không cần phải xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng mình, giúp tiết kiệm được kinh phí và tránh được những rủi ro về mặt chính trị.
Trong khi đó, Mỹ không phải lo lắng về việc Hàn Quốc hay Nhật Bản có thể đơn phương sử dụng vũ khí hạt nhân của họ trong một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên, một động thái có thể khiến Triều Tiên trả đũa vào các thành phố của Mỹ. Và điều quan trọng nhất ở đây là càng ít quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới thì càng tốt.