Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Một UAV MQ-9 Reaper khác của Mỹ từng suýt bị Nga hạ ở Syria

(VTC News) -

Sau vụ chiếc MQ-9 đắt tiền của Mỹ rơi trên biển Đen, các nguồn tin tình báo đã tiết lộ thêm rằng một chiếc MQ-9 khác suýt bị tên lửa Nga bắn hạ ở Syria.

Theo EurAsian Times, một quan chức Mỹ tiết lộ với Tạp chí Lực lượng Hàng không & Vũ trụ rằng, một tên lửa đất đối không của Nga đã suýt bắn trúng chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ ở Syria vào hồi tháng 11/2022. 

Tên lửa đã phát nổ chỉ cách chiếc máy bay không người lái 15 m và làm hỏng chiếc máy bay này. Vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai lực lượng Mỹ và Nga trong khu vực phức tạp này.

Mặc dù Mỹ đã tiết lộ vụ tên lửa đất đối không SA-22 Pantsir của Nga tấn công máy bay không người lái MQ-9 Reaper của họ ở Syria, nhưng họ không tiết lộ mức độ thiệt hại. Nguồn tin cho biết chiếc máy bay không người lái đã quay trở lại căn cứ và hạ cánh an toàn.

Tháng trước, Washington Post là tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ việc, trích dẫn một trong số các tài liệu bị rò rỉ từ Lầu Năm Góc. 

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất giải thích rằng nguyên nhân khiến máy bay không người lái MQ-9 Reaper bị hư hại, là do đầu đạn của tên lửa đất đối không SA-22 Pantsir phát nổ gần máy bay.  

Máy bay không người lái MQ-9 đã né được cú tấn công của tên lửa và quay trở lại căn cứ. Báo cáo cũng xác nhận rằng không có vụ bắn tên lửa tương tự nào khác xảy ra thêm nữa.  

Sau sự cố tháng 11/2022 ở Syria, bản báo cáo từ tài liệu rò rỉ lưu ý rằng các quan chức quân sự Mỹ đã liên hệ với các chỉ huy Nga để giảm xung đột thông qua đường dây liên lạc quân sự giữa hai bên.

Mới đây nhất vào tháng 3/2023, một sự cố đáng lo ngại khác liên quan đến máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ đã xảy ra trên biển Đen. Một máy bay chiến đấu Su-27 của Nga đã phun nhiên liệu vào chiếc máy bay không người lái và khiến nó rơi xuống biển Đen. 

Đoạn video được giải mật từ camera của máy bay không người lái mà Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó đã công bố, cho thấy chiếc máy bay phản lực Nga đã áp sát và xả nhiên liệu lên chiếc UAV.

Do cánh quạt của máy bay không người lái bị hư hại nặng nề, những người điều khiển không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cho chiếc máy bay lao xuống biển. Vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và Mỹ.

Tên lửa đất đối không SA-22 Pantsir.

Nga “dụ” máy bay Mỹ tham gia không chiến ở Syria

Khi căng thẳng giữa Nga và Mỹ tiếp tục leo thang, các quan chức Mỹ trước đó tiết lộ, các phi công Nga đang tiến hành cuộc diễn tập gây hấn trên không phận Syria và khiêu khích căn cứ của Mỹ. 

Người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ gần đây cho biết các phi công Nga đã có hành vi ngày càng “hung hăng” trên bầu trời Syria, bao gồm cả việc tổ chức cuộc diễn tập tưởng định "không chiến" với máy bay phản lực Mỹ. 

Quan chức quân sự Mỹ lưu ý các phi công Nga không cố gắng bắn hạ máy bay Mỹ. Thay vào đó, họ có thể đang cố gắng khiêu khích Mỹ và lôi kéo họ vào một sự cố quốc tế. 

Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở Syria, với khoảng 900 binh sĩ đóng quân ở phía đông để hỗ trợ các lực lượng địa phương trong cuộc chiến đang diễn ra chống lại tàn quân của IS. 

Mặt khác, các lực lượng Nga vẫn hoạt động tích cực trong lãnh thổ Syria, hỗ trợ chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad trong cuộc xung đột chống lại các nhóm phiến quân khác nhau.

Nạp bom cho máy bay tại Căn cứ không quân Al Dhafra, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, 18/4/2022. (Ảnh: Lực lượng Không quân Mỹ)

Theo các chỉ huy Mỹ, mặc dù Whashington và Moskva đã thiết lập một số giao thức để ngăn chặn các cuộc đụng độ có thể xảy ra giữa các máy bay của hai nước trong không phận Syria, nhưng có vẻ như các máy bay chiến đấu của Nga đã nhiều lần vi phạm thỏa thuận này.

Theo Air Force Central, đã có hơn 85 sự cố như vậy xảy ra kể từ ngày 1/3/2022, trong đó bao gồm hơn hai chục chuyến bay vũ trang của quân đội Mỹ.

Hơn nữa, các quan chức Mỹ đã coi hành động “gây hấn” của máy bay Nga là nguy hiểm khi chúng bay cách máy bay Mỹ trong vòng chưa đầy 200m, dẫn đến lo ngại rằng Nga có thể đang cố gắng kích động một sự cố quốc tế.

Ngoài mối đe dọa từ các lực lượng Nga, Mỹ cũng đang phải đối mặt với sự kháng cự quyết liệt từ các chiến binh do Iran hậu thuẫn ở Syria. Mới đây nhất trong một cuộc tấn công bằng tên lửa vào một căn cứ ở phía đông bắc Syria, đã khiến một nhà thầu Mỹ thiệt mạng.

Sau cuộc tấn công bằng tên lửa vào ngày 23/3, hai chiếc F-15E Strike Eagles của không quân Mỹ đã tiến hành một cuộc phản công vào các căn cứ có liên quan với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran.

Mỹ đã thiết lập trung tâm không quân hỗ trợ chiến dịch chống IS thông qua các hoạt động và tuần tra trên không chiến đấu. Bộ chỉ huy này hiện được trang bị các loại máy bay hiện đại như A-10, F-16 và F-15E và cả MQ-9 để đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về máy bay chiến đấu.

Lê Hưng (Nguồn: EurAsian Times)

Tin mới