Theo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), từ ngày 1/3, các loại điện thoại chỉ hỗ trợ 2G (hay 2G Only) không thuộc danh sách cấp chứng nhận hợp quy sẽ không thể hòa mạng mới. Trước đó, từ 1/7/2021, cơ quan quản lý đã dừng cấp phép nhập khẩu đối với điện thoại 2G Only để chuẩn bị cho lộ trình cắt sóng 2G. Tuy nhiên, sau thời điểm trên, đại diện Cục Viễn thông xác nhận vẫn có tình trạng nhập lậu, xách tay máy 2G Only vào Việt Nam và đây là những thiết bị sẽ thuộc diện không được nhập mạng viễn thông từ ngày 1/3.
Điện thoại 2G Only đang hoạt động, lưu thông trên thị trường được nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam trước ngày 1/7/2021 vẫn hoạt động và nhập mạng mới bình thường. Ví dụ, người dùng có nhu cầu đăng ký thuê bao di động hòa mạng mới khi lắp SIM số để kích hoạt trên thiết bị 2G Only nhập lậu sẽ không thể vào mạng và cũng không sử dụng được dịch vụ di động. Khi lắp SIM này vào máy 2G Only khác được kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam (nhập khẩu trước 1/7/2021), nằm trong danh sách hợp quy của Bộ Thông tin và Truyền thông, thì thuê bao sẽ được kích hoạt và sử dụng bình thường.
Điện thoại 2G Only sẽ sớm không thể sử dụng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, người dùng được khuyến cáo không mua mới hay tiếp tục sử dụng dòng điện thoại "cục gạch" chỉ hỗ trợ công nghệ 2G từ thời điểm này. Bắt đầu từ tháng 9/2024, nhà mạng sẽ tiến hành cắt sóng đối với tất cả thiết bị 2G Only, do đó các máy điện thoại chỉ hỗ trợ công nghệ này sẽ không còn hoạt động, bất kể là sản phẩm có chứng nhận hợp quy.
Từ tháng 9/2024 tới tháng 9/2026, nhà mạng vẫn duy trì kết nối 2G để phục vụ cho nhóm khách hàng sử dụng điện thoại 3G, 4G nhưng chưa tích hợp công nghệ VoLTE. Cũng trong giai đoạn này, doanh nghiệp viễn thông dừng phát triển mới thuê bao 2G. Sau 9/2026, toàn bộ kết nối 2G sẽ bị ngắt để khuyến khích người dân sử dụng mạng 4G, 5G với mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh tới mọi người.
Chia sẻ tại một sự kiện viễn thông cuối 2023, ông Nguyễn Duy Lâm - chuyên gia công nghệ mạng không dây của Huawei nhận định tắt sóng công nghệ cũ như 2G, 3G là xu hướng chung của thế giới. Theo báo cáo của tổ chức GSMA, tính đến giữa năm 2023, 149 nhà mạng trên thế giới đã và đang triển khai kế hoạch tắt công nghệ sóng di động cũ, trong đó đa số quốc gia tiên tiến chọn cách tắt 2G. Ngay tại châu Á, nhiều nước cũng cắt 2G từ rất sớm như Nhật Bản (khoảng 2010-2012), Singapore (2017). Hai nước phát triển như Mỹ và Australia cũng lần lượt đóng mạng này từ năm 2017 và 2018.
Việc tắt sóng 2G giúp giải phóng "băng tần vàng" để phục vụ cho công nghệ 5G sắp tới. Quá trình tắt sóng 2G được đánh giá không gây quá nhiều tác động tiêu cực tới người dùng tại Việt Nam do tỷ lệ thuê bao của công nghệ ngày trên mạng lưới đều còn rất thấp. Bên cạnh đó, chi phí chuyển đổi thiết bị cũng không quá cao.
Hiện nay, điện thoại "cục gạch" 2G Only được sử dụng chủ yếu bởi nhóm khách hàng cao tuổi, người thu nhập thấp hoặc có nhu cầu sử dụng làm điện thoại phụ song song với smartphone. Trên thị trường, chi phí để sở hữu một chiếc điện thoại cơ bản nhưng tích hợp 4G VoLTE chỉ hơn 300.000 đồng tới dưới 1 triệu đồng (đối với máy mới). Một số model còn có giá chưa tới 200.000 đồng nếu mua cũ tại những siêu thị lớn. Số tiền này phù hợp với chi tiêu của người dân nói chung.
Ngoài ra, cơ quan quản lý và nhà mạng, hệ thống đại lý cũng đang có chính sách riêng để hỗ trợ người dân chuyển đổi thiết bị. Cụ thể, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tài trợ 400.000 máy điện thoại cơ bản có hỗ trợ 4G dành cho đối tượng người dùng thuộc diện ưu tiên như vùng sâu xa, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đang phối hợp với đối tác là hệ thống bán lẻ, nhà sản xuất thiết bị đầu cuối để mang đến những mẫu điện thoại cơ bản nhưng hỗ trợ 4G có giá rẻ để người dân thay thế điện thoại cũ sẽ không còn phù hợp từ tháng 9/2024.