Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tài khoản ngân hàng có bán được không?

(VTC News) -

Tài khoản ngân hàng ngày càng phổ biến và được xem là “kho” tích trữ tài sản cá nhân của mỗi người, vậy tài khoản ngân hàng có bán được không?

Tài khoản ngân hàng là gì?

Tài khoản ngân hàng là công cụ tài chính được cung cấp và duy trì bởi ngân hàng. Tất cả các giao dịch trên tài khoản đều được lưu lại.

Tài khoản ngân hàng thường được xác định bằng dãy gồm 8 - 15 chữ số (được gọi là số tài khoản). Thông tin trên tài khoản ngân hàng bao gồm tên chủ tài khoản, số tài khoản, số dư tài khoản, thông tin giao dịch...

Tài khoản ngân hàng có bán được không?

Khoản 2 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-NHNN (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 1 Thông tư 02/2019/TT-NHNN) quy định về nghĩa vụ của chủ tài khoản thanh toán như sau:

Chủ tài khoản thanh toán có các nghĩa vụ:

- Không được cho thuê, cho mượn tài khoản thanh toán của mình;

- Không được sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Căn cứ quy định trên, chủ tài khoản không được cho thuê, cho mượn, sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Vì vậy, nếu bán lại tài khoản ngân hàng cho người thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác là hành vi vi phạm pháp luật.

Chủ tài khoản không được cho thuê, cho mượn, sử dụng tài khoản thanh toán để thực hiện cho các giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo...(Ảnh minh họa)

Thế nào là mua bán trái phép tài khoản ngân hàng?

Hành vi mua bán trái phép tài khoản ngân hàng được biểu hiện thông qua việc các bên thu thập, thỏa thuận trao đổi thông tin với nhau. Theo đó, bên bán cung cấp thông tin số tài khoản mình có được từ nhiều nguồn cho bên mua và được thanh toán bằng tiền hay hiện vật khác nhằm thu lợi bất chính hoặc các mục đích khác trái pháp luật.

Hầu hết đối tượng mua lại thông tin tài khoản ngân hàng của người khác để lợi dụng lòng tin thực hiện các hành vi lừa đảo hoặc chuyển tiền chiếm đoạt qua các tài khoản này.

Hành vi mua bán tài khoản ngân hàng trái phép bị xử phạt hành chính thế nào?

Khoản 5 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm c, điểm d khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt hành chính với vi phạm hoạt động thanh toán như sau:

Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 tài khoản thanh toán đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Làm giả chứng từ thanh toán khi cung ứng, sử dụng dịch vụ thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán;

b) Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Làm giả phương tiện thanh toán, lưu giữ, lưu hành, chuyển nhượng, sử dụng phương tiện thanh toán giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

đ) Hoạt động không đúng nội dung chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước về việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.

Điểm a khoản 10 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm g khoản 15 Điều 1 Nghị định 143/2021/NĐ-CP) quy định như sau:

Biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 4, khoản 5, khoản 6, khoản 7 và khoản 8 Điều này;

Như vậy, hành vi liên quan đến giao dịch tài khoản ngân hàng như cho thuê, mượn, mua, bán...nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng tùy vào số lượng tài khoản bị mua bán.

Đồng thời, người đó phải nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm thu được.

Bằng Lăng (tổng hợp)

Tin mới