Họa sĩ Bruno Amadio là tác giả của loạt tranh vẽ với chủ đề The Crying Boys - Cậu bé khóc. Các bức tranh thể hiện mọi sắc thái về hình ảnh trẻ em đang khóc với ánh mắt u buồn, đôi khi là sự oán giận.
Câu chuyện bí ẩn về “lời nguyền” ở bức tranh “Cậu bé khóc” bắt đầu xuất hiện từ năm 1985, khi hàng loạt các vụ cháy nhà bí ẩn lan rộng tại Anh. Nhưng điều làm những người lính cứu hỏa ngạc nhiên hơn cả là trong tất cả các vụ cháy, mọi vật trong nhà đều cháy rụi, tuy nhiên chỉ có bức “Cậu bé khóc” vẫn không hề bị ngọn lửa tác động và còn nguyên vẹn.
Sau đó, bức tranh đã được giữ lại và qua tay rất nhiều chủ. Nhưng tất cả những người có được bức chân dung đều chịu chung cảnh nhà bị lửa thiêu rụi. Người ta bắt đầu tin vào những điều kỳ lạ và ma quái về bức tranh "Cậu bé khóc".
Câu chuyện đáng sợ này đã được lan truyền khắp nơi khiến dư luận hoang mang. Một số người cho rằng bức tranh "Cậu bé khóc" đã bị ám bởi hồn ma của những đứa trẻ chết oan sau khi chiến tranh thế giới kết thúc. Một số người khác thì nghĩ rằng bức tranh đã bị nguyền nên bất cứ ai sở hữu nó đều sẽ phải gánh chịu hậu quả kinh hoàng.
Trước tình hình đó, người dân nước Anh đã liên tục tiêu hủy các bản sao của bức tranh "Cậu bé khóc". Mặc dù vậy, các vụ cháy vẫn tiếp diễn. Truyền thông thậm chí phải trấn an người dân rằng đó chỉ là sự trùng hợp hy hữu mà thôi.
(Ảnh: Pictolic)
Có rất nhiều lời đồn đoán xung quanh lời nguyền của loạt tranh "Cậu bé khóc". Thậm chí người ta kể rằng Bruno Amadio là một ác quỷ đội lốt người đã ngược đãi, làm những đứa trẻ trong trại trẻ mồ côi hoảng sợ vì đám cháy để vẽ được bức tranh và sau đó để mặc lửa thiêu chết tụi nhỏ. Linh hồn của chúng đã trú ngụ trong những bức tranh khiến ở trong bất cứ đám cháy nào, mọi thứ đều bị thiêu rụi, trừ bức tranh. Cho đến khi câu chuyện thật của loạt tranh được làm sáng tỏ cách đây không lâu, lật bức màn bí mật mà người đời vẫn tự thêu dệt.
Họa sĩ Bruno Amadio vẽ loạt tranh The Crying Boys dựa trên nguyên mẫu cậu bé Don Bonillo. Theo đó, trong một lần ngồi vẽ, ông tình cờ nhìn thấy một cậu bé ăn mặc rách rưới đang ngồi bệt trước cửa một quán rượu và không ngừng nức nở. Động lòng thương xót, Bruno Amadio đích thân đi xuống, đưa cậu bé lên phòng vẽ, cho ăn uống tử tế và sau đó vẽ chân dung của cậu.
Sau lần ấy, cậu bé tội nghiệp còn nhiều lần ghé thăm vị họa sĩ tốt bụng, nhưng bao giờ cũng vậy, đôi mắt cậu không ngừng ứa lệ và luôn câm lặng không thốt nên một lời nào. Một thời gian sau lần gặp gỡ cậu bé lần đầu tiên, một số linh mục trong vùng ghé thăm tư gia Bruno Amadio và bày tỏ nỗi lo lắng và kinh hãi.
Họ nói với ông rằng tên của cậu bé là Don Bonillo. Chứng kiến cha mẹ bị thiêu sống trong vụ cháy nhà, cậu bé đã bỏ chạy và trốn biệt. Các linh mục khẩn khoản khuyên Bruno Amadio không nên chứa chấp, giúp đỡ cậu bé này vì kể từ sau thảm họa kinh hoàng của gia đình, hễ bất cứ nơi đâu cậu bé xuất hiện, các đám cháy bí ẩn bỗng tự động xảy ra. Bất chấp những lời cảnh báo, Bruno Amadio vẫn tiếp tục thương yêu, đùm bọc cậu bé Don Bonillo.
(Ảnh: Hub Pages)
Tưởng rằng cuộc sống sẽ êm đềm mãi thế cho đến một ngày trở về nhà sau một cuộc triển lãm, Bruno Amadio kinh hoàng khi nhận thấy cả căn nhà và phòng vẽ của mình đã bị thiêu rụi. Những người chung quanh đều nói rằng Bruno Amadio lâu nay đã nuôi ong tay áo và chỉ đích danh rằng không ai khác mà chính cậu bé Don Bonillo là thủ phạm. Quá tức giận, vị họa sĩ nổi tiếng buộc tội Don Bonillo. Nước mắt không ngừng tuôn rơi, cậu bé mồ côi bỏ đi và từ đó không ai nhìn thấy cậu nữa.
Cho năm 1976, trên các kênh tin tức đưa tin về một vụ tai nạn xe hơi khủng khiếp ở vùng ngoại ô của Barcelona. Theo đó, chiếc xe hơi đã lao thẳng vào một bức tường và biến thành một quả cầu lửa thiêu rụi chủ xe. Bên trong đống đổ nát, xác chết của người lái xe không còn nhận dạng nổi. Trên tấm giấy phép lái xe trong ngăn chứa đồ đã bị cháy một phần có thông tin người lái xe là một thanh niên 19 tuổi, tên Don Bonillo.
(Ảnh: iNews)
Để tìm ra bí ẩn về bức tranh không bao giờ cháy này, Kelvin MacKenzie, biên tập viên tờ The Sun của Anh đã đem nó tới một phòng thí nghiệm gần Watford (nơi nghiên cứu về chất cháy). Tại đây ông đã thử đốt bức tranh. Và kết quả thật ngạc nhiên, chỉ có phần khung bị cháy còn bức tranh vẫn nguyên vẹn.
Thì ra, nguyên nhân khiến bức tranh "Cậu bé khóc" không hề bị hư hỏng trong các vụ hỏa hoạn là do nó được vẽ trên chất liệu khó bắt lửa, đồng thời phủ một lớp vecni chống cháy. Tuy nhiên, lời giải thích này không được người dân nước Anh thời bấy giờ chấp nhận. Họ vẫn liên tục đồn đại và hoàn toàn tin rằng "Cậu bé khóc" là bức tranh bị ma ám.