Sơn lót và sơn phủ có vai trò gì đối với tường nhà?
Thông thường, sơn tường bao gồm 2 lớp: sơn lót và sơn phủ. Trong đó, sơn lót được xem là lớp giúp kết nối giữa bề mặt công trình với sơn phủ. Sơn lót giúp tăng độ bám dính tốt hơn. Bên cạnh đó, sơn lót còn có tác dụng chống rỉ nước, chống thấm, kháng kiềm...
Nhờ đặc tính bám dính cao cộng với lực liên kết lớn, sơn lót đóng vai trò như keo dính, giúp lớp sơn phủ bám chặt vào phần thô của công trình, tạo sự bền chắc và đảm bảo tính thẩm mỹ.
Sơn phủ đóng vai trò chủ đạo là lớp nền, giúp bề mặt tường mịn hơn, đều màu hơn. Bên cạnh đó, lớp sơn phủ còn có tác dụng tạo độ dày cho sơn, tăng độ bám dính cao và duy trì độ bền màu theo thời gian.
(Ảnh minh họa)
Sơn nhà cần mấy lớp để đảm bảo chất lượng?
Trên thực tế, việc sơn nhà mấy lớp phụ thuộc vào mục đích của việc sơn (sơn mới hay sơn lại) cũng như nhu cầu của gia chủ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, một hệ thống sơn tường chất lượng cần tối thiểu 3 lớp sơn gồm: 1 lớp sơn lót và 2 lớp sơn phủ.
Lớp sơn lót đảm bảo đúng yêu cầu sẽ giúp công đoạn sơn lớp sơn phủ dễ dàng và có tính thẩm mỹ cao.
Với tường nhà mới xây
Bề mặt tường nhà mới xây vẫn còn thô, vì vậy để tăng khả năng kháng kiềm và kháng ẩm, nên sơn lót 2 lớp. Lớp thứ nhất giúp lấp đầy bề mặt gồ ghề, tạo sự đồng đều trên bề mặt tường. Lớp sơn lót thứ 2 giúp tăng tính kết nối và bảo vệ tường nhà.
Lưu ý, tường nhà mới xây đã được xử lý lớp bột matit thì chỉ cần một lớp sơn lót. Bởi, lớp bột bả matit đã bao phủ và làm đầy các lỗ nhỏ, kẽ nứt. Sau đó, chỉ cần sơn lót 1 lớp và 2 lớp sơn phủ là có bức tường đẹp và chất lượng.
Với tường nhà xây đã lâu
Với tường nhà xây đã nhiều năm hoặc đã từng sơn trước đó, cần dựa vào tình hình thực tế để chọn lớp sơn lót cho phù hợp.
Nếu bề mặt tường khô thoáng, không ở khu vực bị ẩm, có thể bỏ qua lớp sơn lót và sơn phủ luôn bên ngoài.
Trường hợp tường ở nơi có độ ẩm cao, dễ bị ngấm nước và bị bong tróc sơn nhiều, nên làm sạch và sơn lót, sau đó mới sơn phủ.