Mọi sai lầm đều là tài sản. Vì sao?
Vì không mắc sai lầm, bạn sẽ không bao giờ hành động đúng
“Sai” và “đúng” là do con người và xã hội mặc định. Chúng ta biết rất nhiều điều đúng và làm theo nó. Nhưng điều sai thì chưa ai chỉ dạy chúng ta bao giờ. Chính vì vậy, có đôi khi chúng ta sẽ vô ý mắc phải sai lầm mà không hề hay biết. Chúng ta chỉ làm vì mình thích, mình muốn và cho rằng “chỉ cần không ảnh hưởng đến ai là đủ”.
Nhưng khi điều đó ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của bạn, bạn bắt đầu ân hận: “Giá như mình đừng nông nổi đến vậy”. Nhưng, nếu không mắc phải những sai lầm đó, liệu bạn có trưởng thành như hiện tại? Nếu không mắc phải sai lầm đó, liệu bạn có chững chạc, chín chắn và luôn hành động đúng như bây giờ?
(Ảnh: Dribbble)
Sai lầm để ta trở nên tốt hơn
Lỗi lầm cũng có thể coi như là một loại tài sản. Càng va chạm nhiều với cuộc sống, bạn sẽ càng nhận ra nhiều khiếm khuyết, sai lầm. Từ việc nhận thức được những khiếm khuyết, sai lầm đó chúng ta có cơ hội để tự điều chỉnh mình, hoàn thiện bản thân và có cơ hội trở thành một người hoàn hảo hơn.
Trong thực tế, số lần bạn mắc sai lầm sẽ nhiều hơn số lần đúng. Có người đã từng nói: “Cuộc sống là một chuỗi mắc lỗi và sửa sai”, ngẫm lại cũng có phần đúng. Bởi vì phía sau những lần mắc lỗi luôn có những điều đúng đắn chờ đợi chúng ta, những điều lớn lao hơn, tốt đẹp hơn.
Tuổi trẻ là để trải nghiệm
(Ảnh: Dribbble)
Bạn chọn sai ngành học, bạn trao tình yêu nhầm người, bạn làm một công việc không như ý muốn… Tất cả không thành vấn đề. Bạn còn trẻ và bạn luôn có quyền lựa chọn lại, quyết định lại. Tuổi trẻ là để trải nghiệm và lựa chọn. Vì khi đó bạn còn tự do, còn thời gian, và còn sức khỏe. Bạn có quyền tự chọn lựa cuộc sống cho mình, tự thay đổi, tự đứng dậy sau mỗi thất bại.
Riêng với tuổi trẻ, sai lầm đôi khi còn là một lợi thế. Điều nghịch lý ấy được tỷ phú Jack Ma nhấn mạnh: “Nếu bạn đang 25 tuổi, hãy cứ sai lầm. Mọi sai lầm đều là tài sản, đều là bài học quý báu cho bạn”. Tuổi trẻ có quyền được thử nghiệm, trải nghiệm, được phép sai và sửa sai. Và thước đo bản lĩnh của con người cũng nằm ở phần phía sau đó - có rút ra được bài học hay không? Có nhận thức sâu sắc những gì mình vừa trải qua không? Và nếu sai lầm lặp lại, bạn sẽ biết cách giải quyết nó tốt hơn chứ?
Sẽ không có thành công nếu chưa từng trải qua sai lầm
(Ảnh: Medium)
Những người thành công nhất thường là những người từng trải qua nhiều thất bại nhất. Thế nên đừng vội nản chí vì “khi một cánh cửa khép lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra”. Thất bại rèn được cho họ sự bền bỉ, ý chí. Hãy thật bình tĩnh và lạc quan để sẵn sàng tận dụng cơ hội mới đang chào đón mình.
Chẳng ai có thể phán xét cuộc đời của bạn chỉ vì những sai sót mà bạn mắc phải, kết quả của quá trình dài mới thể hiện tất cả. Điều quan trọng là sau khi mắc sai lầm, bạn có sống tốt hơn hay không?
Sai lầm là món quà của tuổi trẻ nhưng bạn chỉ có quyền mắc sai lầm một lần
Vì khi bạn mắc sai lầm lần 2, có nghĩa là bạn quá dễ dãi với bản thân mình. Nếu biết sai lầm nhưng vẫn lặp lại, bạn đã thiếu tôn trọng bản thân, và làm cho người khác thất vọng. Sai lầm để lớn lên, để trải nghiệm, để cuộc sống thêm ý nghĩa, nhưng bạn chỉ được mắc một lần và rút kinh nghiệm. Bạn không thể bao biện cho sự yếu kém của bản thân bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh và xem việc mắc sai lầm như một điều vốn dĩ.