Bình giữ nhiệt là sản phẩm gần gũi với con người hiện đại bởi công dụng giữ nhiệt tuyệt vời, lại gọn nhẹ và dễ sử dụng, dễ mang theo. Tuy nhiên, nếu không sử dụng và bảo quản đúng cách, bình giữ nhiệt cũng rất dễ bị hư hại, giảm chức năng, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Sai lầm khi dùng bình giữ nhiệt
Nhiều người dùng bình giữ nhiệt chưa được bao lâu thì bình hết chức năng giữ nhiệt hoặc chức năng này kém hẳn do với ban đầu, vì sao?
- Sử dụng bình lúc thì để đựng nước nóng, khi đựng nước lạnh. Sự thay đổi nhiệt độ đột ngột khiến bình rất dễ bị hư hỏng.
- Sử dụng để đựng chất lỏng có nhiệt độ vượt quá mức cho phép (mỗi loại bình giữ nhiệt đều có mức độ và thời gian giữ nhiệt riêng tùy theo từng nhà sản xuất). Điều này không chỉ tăng nguy cơ bị bỏng cho người dùng mà còn khiến tuổi thọ của bình giảm, dễ bị hỏng hơn.
- Dùng bình giữ nhiệt để đựng nước trái cây, nước có gas: Bạn không nên đựng các loại nước có tính axit cao như chanh, cam, xoài, cóc... bằng bình giữ nhiệt liên tục trong khoảng thời gian dài (2 - 3 ngày). Axit sẽ đẩy nhanh quá trình oxy hóa kim loại, không chỉ làm hỏng bình mà còn khiến các kim loại nặng bên trong ruột bình được giải phóng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tăng nguy cơ ung thư
- Va đập, làm rơi gây móp méo bình: Điều này ảnh hưởng đến các chất liệu bên trong, giảm khả năng giữ nhiệt và rút ngắn tuổi thọ của bình.
Sử dụng bình giữ nhiệt đúng cách
Sau đây là một số lưu ý để sử dụng bình giữ nhiệt đúng cách và an toàn.
- Trước khi sử dụng lần đầu tiên, hãy rửa sạch bình (bao gồm thân mình và nắp) bằng nước rửa chén hoặc nước nóng/giấm để rửa sạch, khử mùi sản phẩm mới trong bình. Trước khi dùng, bạn nên súc/tráng bình bằng nước nóng hoặc lạnh trong khoảng 2 phút để làm nóng/lạnh bình nhằm mang lại hiệu quả giữ nhiệt tốt nhất.
- Các bình giữ nhiệt thường có cấu tạo 2 - 3 lớp, cần lưu ý xem cấu tạo bình là loại chuyên dùng giữ lạnh hay có thể trữ thức uống nóng - lạnh để đảm bảo hiệu quả giữ nhiệt theo nhu cầu.
- Một số bình giữ nhiệt chỉ nên giữ nước ở khoảng nhiệt độ 70 - 80 độ C. Không nên để nước quá nóng vì có thể làm hư bình hoặc gây phản ứng với chất liệu bình, ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Không nên đổ quá đầy hoặc quá ít nước vào trong bình, mực nước lý tưởng là thấp hơn cổ bình 1cm. Nếu quá đầy, nước sẽ bắn ra ngoài khi vặn nắp dẫn đến bị bỏng; nếu nước quá ít, hiệu quả giữ nhiệt sẽ bị giảm.
- Không nên cho bình giữ nhiệt vào tủ lạnh hoặc lò vi sóng vì có thể ảnh hưởng đến độ bền, nó có thể bị biến dạng hoặc gây ảnh hưởng không tốt đến thức uống bên trong.
- Nếu đang đựng nước lạnh, bạn muốn chuyển sang đựng nước nóng và ngược lại thì hãy chờ khoảng 10 - 15 phút, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột.
- Vệ sinh bình thường xuyên để tránh nấm mốc, vi khuẩn tích tụ.
- Sau mỗi lần sử dụng bình, khi vệ sinh thì bạn nên úp ngược bình lại để chống gỉ sét do nước tồn đọng bên trong và giúp bình mau khô hơn.
Cách tẩy mùi, làm sạch bình giữ nhiệt
Trước hết, bạn cần nhớ tuyệt đối không dùng các chất tẩy rửa mạnh, dung dịch gây ăn mòn (thuốc tẩy, acetone…) để vệ sinh bình giữ nhiệt.
Nếu bình đựng nước lọc thông thường, chỉ cần dùng nước rửa chén rửa sạch và lau khô hoặc để khô tự nhiên là có thể sử dụng. Sau khi trữ đồ uống có mùi, có cặn, bình cần được làm sạch kỹ lưỡng hơn để không ẩm mốc, sinh vi khuẩn và ảnh hưởng đến lần sử dụng sau.
Mẹo loại bỏ mùi bình giữ nhiệt
- Cách 1: Pha nước ấm với nước rửa chén rồi đổ vào bình, đậy kín nắp để qua đêm, sáng hôm sau rửa lại bằng nước sạch.
- Vò nhàu giấy báo rồi cho vào bình đậy kín nắp, để 2 - 3 ngày, sau đó lấy giấy báo ra, rửa lại bình bằng nước ấm, để nơi khô ráo.
- Pha 1 muỗng baking soda với nước ấm rồi đổ vào bình, đậy kín nắp qua đêm. Hôm sau bạn rửa lại bình bằng nước ấm và để nơi khô ráo.
- Pha 1 muỗng baking soda với giấm táo hoặc nước cốt chanh, đổ vào bình, đóng nắp rồi lắc mạnh nhiều lần. Sau đó đổ nước này đi rồi vệ sinh lại bình bằng nước ấm. Cách này rất hiệu quả để làm sạch mùi hôi bám lâu, khó rửa trong bình giữ nhiệt.