Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Rút khỏi ISS, Nga sẽ cắt đứt một liên kết quan trọng với phương Tây?

(VTC News) -

CNA nhận định hợp tác trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) là minh chứng quan trọng về cách Nga và Mỹ có thể hợp tác ngay cả khi mối quan hệ hai nước chiều hướng xấu đi.

Theo Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos, Nga dự định rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sau năm 2024 và sẽ bắt đầu tập trung xây dựng trạm không gian của riêng mình.

“Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ hoàn thành tất cả nghĩa vụ của mình đối với các đối tác nhưng chúng tôi đã quyết định rời ISS sau năm 2024. Tôi nghĩ rằng đến thời điểm này chúng ta nên bắt đầu đầu xây dựng một trạm không gian của riêng mình”, thông báo của Điện Kremlin dẫn lời ông Yuri Borisov, người đứng đầu Roscosmos, đưa ra trong cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Các thỏa thuận hiện tại về ISS cho phép Nga hoạt động tại trạm đến năm 2024 và trạm cần các mô-đun của Nga để theo đúng quỹ đạo. Mỹ đã lên kế hoạch hỗ trợ các hoạt động của ISS ít nhất đến năm 2030, vì vậy họ sẽ phải tìm cách vận hành trạm mà không có sự trợ giúp của đối tác lâu năm.

Thông báo của Nga, dù không vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào hoặc đe dọa ngay lập tức đến hoạt động hàng ngày của ISS, đã đánh dấu đỉnh điểm của nhiều tháng căng thẳng chính trị liên quan đến trạm này.

Tồn tại hơn 23 năm, ISS là minh chứng quan trọng về cách Nga và Mỹ có thể hợp tác cùng nhau dù từng là đối thủ. Sự hợp tác này đặc biệt có ý nghĩa khi mối quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi trong những năm gần đây.

Nga dự định rút khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) sau năm 2024. (Ảnh: AFP)

Mặc dù chưa rõ liệu Nga có thực hiện theo thông báo rời khỏi ISS hay không, nhưng tín hiệu này đã gây thêm căng thẳng đáng kể cho hoạt động hợp tác quốc tế thành công nhất trong không gian từ trước đến nay. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu mối quan hệ chính trị giữa hai bên đã trở nên căng thẳng đến mức việc cùng hợp tác trong không gian cũng trở nên bất khả thi?

ISS sẽ ra sao nếu không có Nga?

Nga vận hành 6 trong số 17 mô-đun của ISS, bao gồm cả Zvezda, nơi chứa hệ thống động cơ chính. Động cơ này rất quan trọng đối với khả năng duy trì quỹ đạo của trạm và cũng như cách trạm di chuyển ra khỏi các mảnh vỡ không gian nguy hiểm. Theo các thỏa thuận về ISS, Nga giữ toàn quyền kiểm soát và thẩm quyền pháp lý đối với các mô-đun của mình.

Hiện tại vẫn chưa rõ việc rút khỏi ISS của Nga sẽ diễn ra như thế nào. Thông báo của Nga chỉ nói khoảng thời gian là “sau năm 2024”. Bên cạnh đó, Nga không cho biết liệu họ có cho phép các đối tác ISS kiểm soát các mô-đun của Moscow và tiếp tục vận hành trạm hay không hay liệu họ có yêu cầu đóng các mô-đun hoàn toàn hay không.

Do các mô-đun của Nga là thứ cần thiết để vận hành ISS, không chắc liệu trạm có thể hoạt động nếu không có chúng hay không. Ngoài ra, cũng không rõ liệu có thể tách các mô-đun của Nga khỏi phần còn lại của ISS hay không bởi toàn bộ trạm được thiết kế để kết nối với nhau.

Tùy thuộc vào cách thức và thời điểm Nga quyết định rút khỏi ISS, các nước đối tác sẽ phải đưa ra những lựa chọn khó khăn về việc tháo dỡ toàn bộ trạm hay tìm ra các giải pháp khác để duy trì trạm.

Gia tăng căng thẳng Nga – Mỹ

Theo CNA, tuyên bố rút khỏi trạm của Nga là sự kiện mới nhất trong một loạt các sự kiện liên quan đến ISS xảy ra kể từ khi Moscow triển khai chiến dịch quân sự ở nước láng giềng vào cuối tháng 2.

Quyết định rời khỏi ISS của Nga sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động hàng ngày của trạm, mà nó mang ý nghĩa về chính trị nhiều hơn.

Không có sự gián đoạn nào đối với hoạt động chính của ISS khi Nga rút đi. Các phi hành gia trên trạm tiếp tục thực hiện các thí nghiệm mỗi ngày cũng như các chuyến du hành vũ trụ. Nhưng một tác động đáng kể của sự gia tăng căng thẳng là Nga không còn tham gia vào các thí nghiệm chung với các quốc gia châu Âu trên ISS.

Với rất ít thông tin công khai về việc Nga rời ISS sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc sử dụng các mô-đun của họ, trong ngắn hạn, dường như các thí nghiệm khoa học chung sẽ là thứ chịu tác động lớn nhất.

Căng thẳng xung quanh ISS đã gia tăng kể từ khi Nga mở hoạt động quân sự ở Ukraine. Vào đầu chiến dịch quân sự, Dmitry Rogozin, khi đó là người đứng đầu Roscosmo, từng ám chỉ về khả năng Nga sẽ rời ISS.

Tuy nhiên, ông Rogozin gần đây đã rời khỏi vị trí lãnh đạo Roscosmo. Bên cạnh đó, NASA và Roscosmos đã ký một thỏa thuận để hoán đổi chỗ ngồi trên các chuyến bay đến ISS. Theo đó, một phi hành gia người Mỹ sẽ di chuyển lên ISS trong con tàu Soyuz của Nga, trong khi một phi hành gia Nga sẽ bay trên các chuyến bay của SpaceX Dragon.

Động thái trên cho thấy, Nga và Mỹ vẫn có thể tìm ra cách để hợp tác cùng nhau trong không gian. 

Thông báo rời khỏi ISS của Nga được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang xem xét phát triển các trạm mới ngoài ISS. NASA hiện đang trong giai đoạn phát triển đầu tiên của một trạm vũ trụ thương mại để thay thế cho ISS.

Mặc dù việc tăng tốc phát triển trạm vũ trụ mới này sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng nó báo hiệu rằng ISS đang gần kết thúc vòng đời hoạt động hiệu quả.

Mai Trang (VOV.VN)

Tin mới