Rau má là một trong những nguyên liệu quen thuộc và dân dã trong đời sống hàng ngày. Vậy, rau má có tác dụng gì mà lại được nhiều người yêu thích?
Đặc điểm của cây rau má
Cây rau má còn gọi là tích huyết thảo. Tên khoa học Centenlia asiatica (L.) Urb., (Hydrocotyle asiatica L., Trisanthus cochinchinensis Lour.), thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).
Rau má là loại cỏ mọc bò, có rễ ở các mấu, thân gầy, nhẵn. Lá hình mắt chim, khía tai bèo...
Cây rau má mọc hoang khắp nơi ở Việt Nam và các nước vùng nhiệt đới như Lào, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ…
Toàn cây khi tươi có vị đắng, hăng hơi khó chịu; khi khô thì chỉ còn mùi cỏ khô; thu hái quanh năm; dùng tươi hay sao vàng.
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS Đỗ Tất Lợi, rau má được nhiều người nghiên cứu, nhưng kết quả chưa thống nhất:
Theo Basu và Lamsal (1947), trong rau má có một alkaloid gọi là hydrocotylin C22H33O9N1, độ chảy 210-212 độ C. Alcaloid này cho các muối oxalate với độ chảy 295 độ C, muối picrat với độ chảy 110-112 độ C, muối cloroplatinat với độ chảy 134-136 độ C.
Theo Bửu Hội, Rakoto Ratsimamanga và Boiteau, trong cây rau má thu hái ở đảo Mangat (châu Phi) chứa một glucozit gọi là asiaticozid với công thức C34H88O33. Thủy phân asiaticozit sẽ cho acid Asiatic và glucoza. Chất glucozit này chứa tinh thể, tan trong rượu, độ chảy 230-233 độ C, có thể cho dẫn xuất tan trong nước, gọi là oxyasiaticozid tác dụng điều trị được bệnh lao.
Một số tác giả khác (Lythgoe và Tripper) nghiên cứu rau má mọc ở Srilanca (1949) đã lấy ra được glucozit khác đặt tên là xentelozit (centelloside) có tính chất gần như asiaticozit.
Một số tác giả cho rằng hoạt chất của rau má là những saponin (acid Asiatic, acid brahmic) cấu trúc tri-tecpen, tác dụng tới mô liên kết, giúp cho các mô tái tạo nhanh chóng, do đó làm cho vết thương mau lành và lên da non.
Rau má có tác dụng gì là băn khoăn của nhiều người
Rau má có tác dụng gì?
Theo thông tin trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec, rau má là loại rau rất tốt cho sức khỏe thường được dùng như một loại rau sạch với nhiều cách chế biến như dùng làm rau sống, rau luộc, rau xào, nấu canh rau hay làm nước ép rau má.
Trong Y học cổ truyền, rau má là loại thảo dược nhiều tác dụng hữu ích, thường được sử dụng làm thuốc để điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng như:
Rau má giúp điều trị tình trạng mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, rối loạn tâm thần, bệnh Alzheimer và cải thiện trí nhớ.
Rau má còn được dùng để chữa lành vùng da bị thương, chấn thương và các vấn đề lưu thông máu bao gồm cục máu đông ở chân và giãn tĩnh mạch.
Trong dân gian còn sử dụng loài cây này để trị say nắng, viêm amidan, viêm màng phổi, viêm gan, vàng da, lupus đỏ hệ thống, đau dạ dày, tiêu chảy, khó tiêu, viêm loét dạ dày, động kinh, hen suyễn, tiểu đường.
Trong y học Ấn Độ, rau má được coi là một loại thuốc bổ, tăng dinh dưỡng và làm thuốc lợi tiểu.
Một số nghiên cứu cho thấy loài cây này tác dụng chữa loét đường tiêu hóa, làm liền sẹo bên trong và bên ngoài. Rau má đôi khi được thoa lên da để làm lành da và giảm sẹo, bao gồm cả vết rạn da do mang thai.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng rau má
Rau má là loại rau phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên người dùng không nên lạm dụng. Chỉ nên uống 1 cốc rau má (tương đương 40g rau má) mỗi ngày và không uống quá 1 tháng. Nếu muốn dùng tiếp hãy ngưng ít nhất nửa tháng.
Những phản ứng dị ứng với rau má có thể gặp bao gồm đỏ da, ngứa hoặc phát ban trên da. Người dùng cũng có thể bị đau bụng, buồn nôn hoặc thải ra phân có màu lạ. Dù các triệu chứng này cũng như việc các hợp chất trong rau má phản ứng với nhau rất ít gặp nhưng bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng rau má.
Ai không nên sử dụng rau má
Theo thông tin trên website của Bệnh viện Nguyễn Tri phương, dưới đây là những người không nên dùng rau má:
Phụ nữ mang thai và cho con bú.
Những người đang mong muốn thụ thai.
Người bị tiểu đường: Người bị tiểu đường nên sử dụng ra má ở một lượng vừa phải. Nếu dùng quá nhiều và thường xuyên sẽ làm tăng lượng đường trong máu.
Những người đang sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần. Rau má có thể làm giảm tác dụng của thuốc, giảm hiệu quả điều trị bệnh.
Với những thông tin trên chắc hẳn bạn đã có giải đáp cho câu hỏi "rau má có tác dụng gì" rồi phải không.