Hẹ là loại rau quen thuộc được nhiều người yêu thích. Rau hẹ không chỉ dùng nhiều trong các món ăn mà còn là cây thuốc chữa bệnh hiệu quả. Dưới đây là tác dụng của hẹ và những người không nên ăn hẹ.
Bài viết của BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ trên Báo Sức khoẻ & Đời sống chỉ ra những tác dụng tuyệt vời của rau hẹ với sức khoẻ như sau:
Cây hẹ cho nhiều kháng sinh quý
Theo bác sĩ Vũ cây hẹ đặc biệt tốt với các bệnh về hô hấp và đường ruột của trẻ em. Hẹ được các nhà khoa học nghiên cứu có các hợp chất: Sunfua, saponin và chất đắng... Đặc biệt, chất Odorin trong cây hẹ được xem như một kháng sinh đặc trị các loại vi trùng staphyllococcus aureus và Bacillus coli.
Ngoài ra, trong hạt hẹ còn có ancaloit và saponin. Trong nước ép tươi của lá hẹ có nhiều kháng sinh với nhiều loại vi trùng, như một kháng sinh đa khuẩn cho các loại vi trùng ở đường tiêu hóa nói chung và đặc biệt là đối với bệnh lý đường ruột nói riêng như vi trùng Staphyllococcus aureus, Samonella typhi, Sh Flexneri và Subtilis, colipathogene và Coli bethesda. Tính chất của kháng sinh này khá vững bền.
Giảm huyết áp và cholesterol
Cũng như tỏi, hẹ chứa allicin. Allicin tác dụng giảm huyết áp và ngăn quá trình sản sinh cholesterol trong cơ thể. Hơn nữa, chúng cũng có đặc tính chống vi khuẩn và chống nấm, tẩy vi khuẩn và nấm trong đường ruột, đảm bảo cho hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt.
Giúp ngăn ngừa ung thư
Hẹ là nguồn chứa chất flavonoid và lưu huỳnh tự nhiên có thể ngăn chặn một số loại bệnh ung thư hiệu quả. Những chất này giúp chống lại các gốc tự do và ngăn chặn chúng phát triển. Vì vậy, ăn hẹ có thể phòng ung thư đại tràng, vú, tuyến tiền liệt, phổi và dạ dày.
Các vấn đề về da
Vì hẹ có đặc tính chống vi khuẩn và nấm nên rất tốt cho da, đồng thời cải thiện những vấn đề về nhiễm trùng da. Hẹ có thể thay thế cho các loại kem bôi trị vảy và làm lành vết thương hở. Nhờ đặc tính này, hẹ có thể tiêu diệt vi khuẩn, nấm, giúp vết thương mau lành.
Giúp xương chắc khỏe
Hẹ chứa nhiều vitamin K - loại vitamin chịu trách nhiệm cho sức khỏe xương của bạn. Sự khử khoáng xương được ngăn chặn đáng kể bằng việc ăn hẹ thường xuyên. Đặc biệt phụ nữ dễ bị loãng xương hơn nam giới nên thường xuyên ăn hẹ sẽ giúp tăng mật độ xương.
Ngoài những tác dụng trên rau hẹ còn có tác dụng ngăn chặn những vấn đề khó chịu khi mang thai, ngăn ngừa đông máu, giúp ngăn ngừa mụn hiệu quả.
Ngoài ra, rau hẹ còn là thức ăn, vị thuốc có tác dụng tốt nhất về mùa xuân. Sách Nội kinh có viết: “Xuân hạ dưỡng dương”, nghĩa là mùa xuân cần ăn các món ôn bổ dương khí. Hẹ nằm trong nhóm thức ăn đó, còn Bản thảo thập di viết: “Rau hẹ là ấm nhất, có ích cho người, nên ăn thường xuyên”.
Sách Lễ ký viết củ hẹ trị chứng di mộng tinh, đau lưng rất công hiệu. Lá hẹ vị cay hơi chua, hăng, tính ấm, tác dụng trợ thận, bổ dương, ôn trung, hành khí, tán huyết, giải độc, cầm máu, tiêu đờm.
Rau hẹ tốt nhưng không phải ai cũng có thể ăn được
Tuy mang lại nhiều tác dụng đối với sức khoẻ nhưng không phải ai cũng có thể ăn hẹ. Dưới đây là những người được khuyến cáo không nên ăn rau hẹ:
Người bị nóng trong
Người bị nóng trong khi ăn lá hẹ sẽ sinh thêm nhiệt, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng và làm cho người bị khô miệng, gây khó chịu.
Những người bị bệnh về mắt
Đối với một số người mắc các bệnh về mắt như viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm túi lệ… thì không nên ăn lá hẹ, ngược lại còn dễ làm nặng thêm các triệu chứng khó chịu ở mắt.
Người yếu dạ dày
Vì hẹ chứa nhiều chất xơ, tuy có tác dụng thúc đẩy nhu động đường tiêu hóa và đóng vai trò làm ẩm ruột, nhuận tràng nhưng bản thân hẹ lại không dễ tiêu hóa.
Nếu người yếu dạ dày ăn lá hẹ thì khả năng tiêu hóa đường tiêu hóa của bản thân tương đối yếu, sau khi ăn không những không tiêu hóa được mà còn dễ kích thích thành ruột gây tiêu chảy, nôn mửa, chướng bụng và các triệu chứng khó chịu khác.
Người mắc các bệnh về đường tiêu hóa
Lá hẹ tính ấm có thể gây kích ứng nhất định cho đường tiêu hóa. Nếu là người mắc các bệnh về đường tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm đường ruột, ăn không tiêu…. không chỉ dễ kích thích đường tiêu hóa mà còn dễ sinh nhiệt làm nặng thêm các triệu chứng khó chịu về đường tiêu hóa.
Trên đây là những tác dụng của rau hẹ và những người không nên ăn hẹ. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa rau hẹ nhé.