Tuyên bố trên được Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đưa ra bên thềm một hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu (CEPS) tổ chức. Ông Borrell cũng cho rằng EU không chuẩn bị cho một cuộc chiến như ở Ukraine.
Nhà ngoại giao EU nói rằng ông lạc quan lắm về khả năng các nước thành viên của khối có thể cải thiện đáng kể năng lực quân sự của họ một cách kịp thời, vì quá trình này hoàn toàn xuất phát từ yêu cầu của từng quốc gia.
Ông Borrell giải thích rằng mặc dù đã biết rõ những thiếu sót về năng lực quốc phòng của EU, nhưng liên minh vẫn cần phải có một "hồi chuông cảnh tỉnh" để các thành viên hành động một cách phối hợp và không để lãng phí tiền bạc.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell. (Ảnh: RT)
Tuy nhiên, ông Borrell cũng bày tỏ sự thất vọng của mình khi cuộc chiến ở Ukraine dường như không phải là "lời cảnh tỉnh đúng đắn".
“Chúng ta nên học hỏi từ cuộc chiến này. Hãy nhìn xem, quân đội châu Âu không thể duy trì một cuộc chiến như ở Ukraine trong hơn hai tuần. Họ sẽ sớm hết đạn”, ông Borrel nói.
Ông cũng chỉ ra thực tế là các quốc gia EU đã quá quen với hòa bình và từ chối thừa nhận mối đe dọa từ an ninh mới. EU được xây dựng dựa trên niềm tin vào hòa bình và chiến tranh đã "biến mất khỏi trí tưởng tượng chung của chúng tôi", sau khi những người sáng lập của nó đặt ra mục tiêu khiến chiến tranh "không thể xảy ra về mặt tinh thần".
“Đừng tin rằng hòa bình là trạng thái tự nhiên của mọi thứ. Tình trạng tự nhiên của mọi thứ là chiến tranh, và ở châu Âu chúng ta đã quen tin rằng hòa bình là trạng thái bình thường và tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ học được rằng nó không phải như vậy”, ông Borrel nhấn mạnh.
Ông Borrell tiếp tục so sánh người châu Âu với “những con chim lớn chui đầu vào cát” và không muốn hiểu thế giới nguy hiểm như thế nào, nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải làm cho họ hiểu “thế giới như thế nào”.
Bản thân ông Borrell trước đây đã kêu gọi tăng cường khả năng phòng thủ của châu Âu và khắc phục những thiếu sót trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Ông đã viết trên trang cá nhân rằng những ví dụ rõ ràng nhất về lỗ hổng an ninh ở châu Âu đó là “kho dự trữ cạn kiệt do hỗ trợ quân sự mà chúng tôi đang cung cấp cho Ukraine”, cũng như các vấn đề “kế thừa từ việc cắt giảm ngân sách quốc phòng trong quá khứ và không đầu tư”.
"EU cần phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của chính mình. Điều này sẽ đòi hỏi cần đến các lực lượng vũ trang hiện đại dựa trên tiêu chuẩn của châu Âu", ông Borrell nhận định .
Nhà ngoại giao nhấn mạnh ba hướng hành động chính cuối cùng sẽ cho phép quân đội các nước EU xóa bỏ những khiếm khuyết hiện tại, gồm: luôn duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu, bổ sung kho dự trữ và hiện đại hóa quân đội.
Trong khi đó, Moskva đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích việc EU ngày càng quân sự hóa và cho rằng khối này đang trở thành một “liên minh hiếu chiến có tham vọng vươn xa ra ngoài lục địa Châu Âu” và đang “theo bước chân của NATO”.