Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Philippines tìm thấy mảnh vỡ liên quan tên lửa của Trung Quốc

Ngày 3/8, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines cho biết đã thu hồi được mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh (Long March) 5B mà Trung Quốc phóng vào tháng trước.

Lực lượng trên cho biết mảnh vỡ này là một tấm kim loại rách mang cờ Trung Quốc và một số ký tự, được ngư dân Philippines tìm thấy trôi dạt ngoài khơi đảo Mindoro, miền Tây nước này vào ngày 2/8. Mảnh vỡ có kích thước dài khoảng 3m, rộng 2m và nặng khoảng 100 kg. 

Tuy nhiên, Cơ quan Vũ trụ Philippines cho biết mảnh vỡ không thuộc thành phần của tên lửa Trường Chinh 5B đã quay trở lại bầu khí quyển vào sáng sớm 31/7. Thay vào đó, mảnh vỡ này được xác định là một phần của bộ phận tải trọng đã tách ra khỏi tên lửa khi nó đi vào không gian vũ trụ trong quá trình phóng.

Tên lửa đẩy Trường Chinh-5B rời bệ phóng tại Trung tâm Phóng vệ tinh Văn Xương ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, ngày 5/5/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tên lửa Trường Chinh 5B phóng hôm 24/7 từ bãi phóng Văn Xương tại tỉnh Hà Nam, chở module thí nghiệm Vấn Thiên hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời lên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Do kích thước lớn của tên lửa, nhiều chuyên gia lo ngại thay vì cháy hết trong khí quyển, mảnh vỡ từ tầng đầu tiên sẽ rơi xuống mặt đất.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27/7 cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ những mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B và sẽ công bố thông tin về vấn đề này một cách kịp thời, trong bối cảnh lo ngại các mảnh vỡ rơi xuống Trái Đất có thể gây nguy hiểm cho các khu vực đông dân cư.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính nguy cơ con người bị mảnh rác vũ trụ rơi trúng chỉ vào khoảng 1/3.200. Tuy nhiên, do số lượng rác vũ trụ trên quỹ đạo Trái Đất gia tăng, tỷ lệ mảnh vỡ rơi từ không trung xuống cũng tăng theo, đặc biệt ở Nam bán cầu. NASA đang theo dõi 27.000 mảnh vỡ nhỏ trên quỹ đạo, di chuyển ở tốc độ lên tới gần 25.300 km/h.

Nguồn: Báo Tin tức

Tin mới