Theo thông báo trên Twitter, vào khoảng 12h45 chiều 30/7 (giờ miền Đông EDT), tên lửa Trung Quốc đã quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất, khu vực phía trên Ấn Độ Dương. Chưa có thông tin thêm nào về các mảnh vỡ hoặc thiệt hại sự cố gây ra.
(Ảnh minh họa: AP)
Theo Sputnik, bộ phận tên lửa đã thu hút sự chú ý của các chuyên gia và những người quan tâm trên mạng internet. Nó là một phần của tên lửa mạnh nhất của Trung Quốc, Long March 5B-Y3, tên lửa đã phóng module Wentian lên trạm vũ trụ.
Một số video xuất hiện trên mạng xã hội được cho là các mảnh vỡ của tên lửa này đang bốc cháy trên bầu trời Malaysia. Một số người khác cho rằng đó là thiên thạch bốc cháy trong bầu khí quyển Trái đất, nhưng các chuyên gia cho rằng rất có thể đây là tên lửa đẩy của Trung Quốc.
Báo cáo của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ tuyên bố rằng hơn 88% dân số thế giới sống trong vùng các mảnh vỡ có khả năng rơi xuống, do đó khả năng các mảnh vỡ còn sót lại hạ cánh xuống một khu vực đông dân cư là có thể. Tháng 5/2021, NASA cũng từng cáo buộc Trung Quốc quán lý các mảnh vỡ vô trách nhiệm do một sự cố tương tự khác.
Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất đưa các mảnh vỡ tên lửa của họ rơi trở lại Trái đất một cách không kiểm soát, nhưng kích thước của Long March thu hút sự chú ý đặc biệt. Theo các báo cáo, ít nhất hai lần trước đây, Trung Quốc đã cho phép các bộ phận tên lửa tự rơi trở lại Trái đất.