Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Phi công cho con 15 tuổi cầm lái, máy bay gặp nạn khiến 75 người thiệt mạng

(VTC News) -

Sự cố hàng không bi thảm năm 1994 xảy ra khi phi công để các con của mình vào buồng lái để chơi với bộ điều khiển.

Những sự cố hàng không hy hữu cho thấy phần lớn các vụ tai nạn xảy ra do lỗi con người chứ không phải bất kỳ yếu tố nào khác.

Chuyến bay 593 của Aeroflot, 1994

Trong chuyến bay từ Moskva đến Hong Kong năm 1994, một phi công của Aeroflot đã cho các con của mình vào buồng lái để chơi với bộ điều khiển. Việc này đã vô tình khiến máy bay thoát khỏi chế độ lái tự động, dẫn đến một vụ tai nạn thảm khốc làm toàn bộ 75 người trên máy bay thiệt mạng.

Vụ tai nạn định mệnh xảy ra vào ngày 23/3/1994, trên một chiếc Airbus A310. Máy bay rơi ở Siberia.

(Ảnh minh họa)

Sau đó, đoạn ghi âm trong buồng lái được phát hiện, cho thấy phi công phụ Yaroslav Kudrinsky đã cho hai đứa con của mình vào buồng lái vào lúc nửa đêm - Yana, 12 tuổi và Eldar, 15 tuổi.

Cả hai đều được phép ngồi vào ghế cơ trưởng và chơi đùa với bộ điều khiển. Phi công lẽ ra phải tắt bộ điều khiển này vì máy bay đang ở chế độ lái tự động.

Nhưng khi Eldar giữ cột điều khiển trong 30 giây, hệ thống trở lại chế độ điều khiển bằng tay. Cơ trưởng và phi công sau đó quay lại chỗ ngồi và nắm quyền điều khiển máy bay nhưng đã quá muộn. Máy bay lao xuống ngọn núi bên dưới, khiến tất cả mọi người thiệt mạng. 

Chuyến bay TransAsia Airways 235, 2015

Vào tháng 2/2015, chuyến bay 235 của TransAsia Airways đâm vào một cây cầu đường cao tốc ở Đài Loan và sau đó lao xuống sông Keelung, khiến 43 trong số 58 hành khách thiệt mạng. Sự cố xảy ra sau khi phi công tắt nhầm động cơ.

Chiếc máy bay vừa cất cánh từ sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc thì một trong các động cơ bị mất điện và phi công đã vô tình tắt động cơ duy nhất còn hoạt động do kéo nhầm công tắc. Phi công cũng nằm trong số những người thiệt mạng. 

Vào tháng 2/2015, chuyến bay 235 của TransAsia Airways đâm vào một cây cầu đường cao tốc ở Đài Loan và sau đó lao xuống sông Keelung.

Một trong những lời cuối cùng của phi công là: "Ôi, kéo nhầm rồi". 

Máy bay nghiêng mạnh, lao qua cầu Huân Đông rồi lao xuống sông Keelung bên dưới.

Tuninter 1153, 2009

Vào tháng 3/2009 trên chuyến bay Tuninter 1153, khi máy bay hết nhiên liệu, thay vì thực hiện quy trình khẩn cấp, cơ trưởng đã cầu nguyện và sau đó máy bay lao xuống biển, khiến 16 người thiệt mạng. 

Hai phi công sau đó đều bị kết án 10 năm tù vì cái chết của 16 hành khách.

Cơ trưởng Shafik Al Gharbi và phi công phụ Ali Kebaier Lassoued, bị buộc tội cầu nguyện thay vì thực hiện các thủ tục khẩn cấp sau khi máy bay hết nhiên liệu do lỗi cơ học và lao xuống biển.

Trong đoạn ghi âm buồng lái được phát trước tòa, người ta nghe thấy ông Gharbi kêu gọi sự giúp đỡ của thánh thần. Có bằng chứng cho thấy phi hành đoàn đã nhiều lần cố gắng cứu vãn tình thế nhưng cuối cùng lại hoảng sợ và để cho vụ tai nạn xảy ra.

Chiếc máy bay đang trên đường đến Bari, Italia sau khi khởi hành từ Djerba, Tunisia, và 23 trong số 49 hành khách trên máy bay đã sống sót sau khi được cứu khỏi mặt nước.

Vụ va chạm giữa máy bay của KLM và Pan Am

Vào tháng 3/1977, hai chiếc Boeing 747 - chuyến bay KLM 1736 và chuyến bay Pan Am 1736 - đã đâm vào nhau tại sân bay Tenerife - khiến 583 người thiệt mạng. Đây trở thành vụ tai nạn chết người nhất trong lịch sử hàng không 

Vụ va chạm xảy ra do hiểu lầm giữa tổ bay KLM và kiểm soát không lưu. Máy bay Pan Am vẫn còn trên đường băng khi máy bay KLM cố gắng cất cánh. Sương mù dày đặc ngày hôm đó khiến cả hai máy bay không thể nhìn thấy nhau.

Tất cả 248 hành khách và thành viên phi hành đoàn trên máy bay KLM đều thiệt mạng, cùng với 326 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn trên chiếc Pan Am. 54 hành khách còn lại và 7 thành viên phi hành đoàn trên chiếc máy bay Pan Am sống sót, bao gồm cả cơ trưởng.

Chuyến bay Airblue 202, Islamabad

Chuyến bay chở khách nội địa này bị rơi vào ngày 28/7/2010, gần thủ đô Islamabad của Pakistan, khiến tất cả 146 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Có lẽ tai nạn đã có thể tránh được nếu phi công phụ của máy bay phản đối những lỗi lặp đi lặp lại của cơ trưởng, nhưng theo Cơ quan Hàng không Dân dụng Pakistan vào tháng 11/2011, anh ta đã bị sếp "hạ nhục" trong suốt chuyến bay và "đánh mất lòng tự trọng".

Cơ trưởng bị cáo buộc có giọng điệu "khắc nghiệt, hợm hĩnh và phản bác" với cơ phó nhiều lần trong suốt chuyến bay. Sau đó, phớt lờ các cảnh báo thời tiết từ Kiểm soát không lưu – nói rằng "hãy để anh ta nói bất cứ điều gì anh ta muốn nói". Và anh ta đã không bị phi công phụ phản đối khi thảm họa xảy ra.

Chuyến bay 90 của Air Florida, 1982

Chiếc máy bay đã rơi xuống sông Potomac chỉ 30 giây sau khi cất cánh.

Vào ngày 13/1/1982, các phi công của Chuyến bay 90 của Air Florida, từ Washington DC đến Fort Lauderdale của Florida đã không bật được hệ thống làm tan băng của máy bay bất chấp thời tiết đóng băng và sau đó lao xuống sông Potomac, khiến 74 hành khách thiệt mạng.

Ngoài ra, mặc dù cất cánh trong cơn bão tuyết, phi hành đoàn đã sử dụng phương pháp không được khuyến khích để làm tan băng, sau đó không thể hủy bỏ việc cất cánh ngay cả khi phát hiện thấy một cơn bão tuyết. 

Chiếc máy bay đã rơi xuống sông Potomac chỉ 30 giây sau khi cất cánh. Trong số 79 người trên máy bay, chỉ có 5 người sống sót và thêm 4 người trên mặt đất thiệt mạng.

Chuyến bay 401 của Eastern Air Lines, 1972

Vào ngày 29/12/1972, một chiếc máy bay Tristar của hãng hàng không Eastern Airlines đã đâm vào Florida Everglades, khiến 101 người trên máy bay thiệt mạng, bao gồm cả cơ trưởng.

Sự cố xảy ra do phi công và phi công phụ bị phân tâm bởi một bóng đèn bị cháy và vô tình va phải cần gạt khiến chế độ lái tự động của máy bay bị tắt. Khi phi hành đoàn nhận ra họ đang mất độ cao thì đã quá muộn. Máy bay bị rơi.

75 người sống sót trong vụ tai nạn. 

Phương Anh (Nguồn: Daily Mail )

Tin mới