Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ X, sáng 17/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh, đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đó là kỷ nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Để thực hiện mục tiêu đó, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, việc khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng cống hiến, ý chí tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, phát huy sức mạnh vĩ đại của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại có ý nghĩa then chốt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X.
Chia sẻ về nội dung này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, từ khóa "kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" xuất hiện sau Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII.
"Cụm từ "vươn mình" đang được dùng dần trong hệ thống thông tin và trong một số văn kiện chưa chính thức. Sau Đại hội XIV của Đảng (tháng 1/2026) nếu được đồng thuận cao sẽ thể hiện trong Văn kiện Đại hội, lúc đó mọi thứ mới rõ ràng cho định hướng mới của đất nước, dân tộc chúng ta", ông Đỗ Văn Chiến nói.
Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới là để nhìn nhận lại 40 năm thực hiện đường lối Đổi mới của Đảng, đất nước ta giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.
"Năm 1986, trước khi chúng ta thực hiện Đổi mới, Việt Nam là một trong 20 nước nghèo nhất thế giới. Đến năm 2023, đứng thứ 34 trong số 35 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dự kiến khi kết thúc Đại hội XIII, chúng ta sẽ đạt GDP bình quân là 4.900 USD/người/năm", ông Đỗ Văn Chiến nói.
Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong 2 nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII và sang đầu Đại hội XIV của Đảng sẽ duy trì 3 đột phá chiến lược: Đột phá về thể chế; đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; đột phá về nguồn nhân lực.
Ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, thời gian qua chúng ta hoàn thành nhiều công trình trọng điểm quốc gia giúp thúc đẩy nền kinh tế, có thể kể đến dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) để Việt Nam có 3 mạch điện 500 kV.
Mạch thứ nhất là thời kỳ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với tư duy dám nghĩ dám làm, mạch thứ hai (năm 2005) là ý chí của Việt Nam và mạch thứ 3 vừa qua là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
"Những thành tựu to lớn như thế đặt Việt Nam vào vị thế hội tụ đủ các yếu tố để đất nước phát triển trong giai đoạn mới mạnh mẽ hơn như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói, chúng ta sẽ tham gia nhiều hơn vào chính trị thế giới, kinh tế toàn cầu và văn minh nhân loại", Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh.
Nói về MTTQ Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến nhận định tổ chức này có 7 nhiệm vụ, trong đó một nhiệm vụ quan trọng là tập hợp, động viên sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc.
Nhiệm vụ này đòi hỏi MTTQ Việt Nam phải đưa ra được những nội dung, chương trình để phát huy được tối đa sức mạnh trong Nhân dân, bao gồm: Nhân tài, tiền tài, vật lực và sự đồng thuận.
"Nếu không có sự đồng thuận, sự ủng hộ của Nhân dân thì chúng ta không thể giải phóng mặt bằng, không thể đầu tư những công trình mang tầm cỡ quốc gia. Vì vậy, trong thời kỳ tới, MTTQ xác định phải tập hợp, quan tâm, thuyết phục Nhân dân tiếp tục tin tưởng đường lối lãnh đạo của Đảng, ủng hộ những chương trình, dự án lớn của Nhà nước để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", ông Đỗ Văn Chiến khẳng định.
Vẫn theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, thời điểm này đất nước đã tích lũy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực và các điều kiện khác để định hướng vươn mình phát triển.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam chụp ảnh cùng Đoàn Chủ tịch Đại hội.
Chia sẻ bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh, Giáo hội Công giáo Hoàn vũ, cho rằng, Đại hội diễn ra vào thời điểm lịch sử quan trọng của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Đại hội là dịp một lần nữa khẳng định vai trò, vị trí của Mặt trận trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc tạo ra đồng thuận xã hội xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường, hướng tới một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Hiệp sĩ Đại thánh giá Lê Đức Thịnh bày tỏ ấn tượng với cụm từ "kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" trong các bài viết "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới", "Chống lãng phí" hay ngay trong bài phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Đại hội của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Là một công dân và tín đồ của đạo Công giáo, ông Thịnh vui mừng và tự hào về thành quả đổi mới của đất nước.
So sánh với các giai đoạn trước, ông Lê Đức Thịnh nhìn nhận, chưa khi nào Việt Nam lại có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay - đúng như lời cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Đất nước ta đang trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
"Cá nhân tôi và người dân Việt Nam đều mong muốn, tin tưởng điều đó và sẽ sát cánh, đoàn kết cùng nhau thực hiện khát vọng này", ông Thịnh khẳng định.
Để Nhân dân đồng lòng, tập trung trí lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, ông Thịnh cho rằng MTTQ Việt Nam cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền, vận động để các tầng lớp Nhân dân ở trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài biết và ủng hộ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo đồng thuận xã hội để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, trong đó quan tâm nhiều hơn đến đoàn kết đồng bào các tôn giáo, bởi 27% người dân theo các tôn giáo chính là nguồn lực rất quan trọng, có ý nghĩa cả trong xây dựng, phát triển đất nước và trong công tác đảm bảo nhân quyền tự do tôn giáo của Việt Nam.
"Việt Nam luôn kiên định mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau và trong thực tế chúng ta đang làm rất tốt điều đó, nhất là khi đất nước gặp thiên tai, bão lũ thì tinh thần đó càng tỏ rõ hơn. Tôi cũng mong muốn MTTQ Việt Nam luôn là ngôi nhà chung để không dân tộc, tôn giáo nào đứng ngoài khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Làm tốt điều đó chính là tạo sự tin tưởng của người dân đối với Đảng, Nhà nước", ông Lê Đức Thịnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Thịnh, trong nhiệm kỳ mới, MTTQ cần phát huy tốt hơn vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền Nhân dân, đại diện cho Nhân dân trong việc giám sát, phản biện xã hội để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân.
Các cấp ủy, chính quyền và Mặt trận phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và yêu cầu chính đáng của Nhân dân.
"Tin dân, tôn trọng, lắng nghe những ý kiến khác. Cùng đó là có hình thức, cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để Nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ. Thực hiện đúng nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng", ông Lê Đức Thịnh nói thêm.
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc Đại hội.
Cũng bày tỏ ấn tượng về tinh thần đất nước sẽ bước vào kỷ nguyên vươn mình mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh tại Đại hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng, đây là thời điểm Việt Nam vươn mình phát triển để trở thành quốc gia giàu mạnh, phồn thịnh, sánh vai với cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn.
Thượng tọa Thích Đức Thiện cho rằng, không chỉ định hướng về kỷ nguyên vươn mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước còn hoạch định đường lối để đất nước, dân tộc ta sẽ vươn mình như thế nào. Đó là chúng ta phải bước vào cuộc cách mạng chuyển đổi số để hình thành nên phương thức sản xuất số.
"Tăng ni và đồng bào phật tử hết sức phấn khởi, có niềm tin mạnh mẽ và sẽ đồng hành cùng người dân cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo với người đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm", Thượng tọa Thích Đức Thiện nhấn mạnh.
Trong 1.052 đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, chị Thị Hà - dân tộc S'Tiêng (SN 2004, trú tại xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) là đại biểu trẻ tuổi nhất.
Bên cạnh vai trò là Bí thư Chi đoàn thôn Bù Gia Phúc 2, Thị Hà hiện là nhân viên y tế học đường kiêm cán bộ thư viện tại trường Tiểu học Hoàng Diệu (xã Phú Nghĩa).
Cùng với cảm xúc tự hào khi đại diện cho rất nhiều thanh niên trẻ và đặc biệt là đại diện cho thanh niên dân tộc, tôn giáo tham dự Đại hội, Thị Hà nhận thức sâu sắc vai trò, trọng trách của mỗi đại biểu trong việc truyền tải thông điệp của Đại hội đến các tầng lớp Nhân dân.
Trong số đó, theo Hà, một nhiệm vụ quan trọng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm giao cho Đại hội là "cần thống nhất nhận thức về vị trí, tầm quan trọng đặc biệt của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và yêu cầu cấp bách, hơn bao giờ hết, ưu tiên hàng đầu củng cố, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, đây là một trong những giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới".
"Đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới là nhiệm vụ của toàn dân tộc, nhiệm vụ của mỗi người dân và những người trẻ như chúng tôi càng phải nhận thức sâu sắc điều đó. Song, với mỗi vùng miền, việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân lại gặp những khó khăn khác nhau. Ở nơi tôi sinh sống, rào cản lớn nhất là nhận thức của người dân", chị Hà bộc bạch.
Chị Thị Hà chia sẻ, Phú Nghĩa là xã thuộc huyện biên giới, nhiều gia đình chưa quan tâm đến việc học tập của con, số ít được đi học thì dừng lại khi chỉ hoàn thành chương trình Trung học cơ sở.
"Một số học sinh bảo rằng "con ước mơ lớn lên được giống cô Hà, không cần phải đi cạo mủ, hái điều". Bản thân tôi cũng chỉ là hạt cát nhỏ bé giữa cuộc đời vậy mà trở thành hình tượng của nhiều học sinh quê tôi. Điều này, khiến tôi cảm thấy vừa vinh dự vừa trăn trở. Các em, những đứa trẻ ở vùng cao, đã phải đối mặt với nhiều khó khăn để đến trường", chị Hà kể.
Bên cạnh đó, chị Hà cho biết, nhiều bạn nữ rất muốn được đi học nghề nhưng gia đình không đủ điều kiện về tài chính nên gác lại những ước mơ.
Đặt kỳ vọng vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chị Thị Hà mong muốn nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, các em học sinh đều có đủ điều kiện đến trường, các bạn thanh niên có cơ hội việc làm.
Thị Hà cho biết thêm, sau Đại hội, cô sẽ tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con bằng nhiều hình thức, từ các cuộc họp thôn đến các kênh truyền thông xã hội.
Cô mong muốn giúp thanh niên và người dân hiểu rõ hơn về những nội dung quan trọng của Đại hội, từ đó cùng nhau đóng góp vào sự phát triển của địa phương.