Theo các chuyên gia quân sự, vũ khí do Pháp sản xuất trong hai năm trở lại đây đang “làm mưa làm gió” trên thị trường vũ khí thế giới, điều đó được thể hiện qua những thương vụ mua bán giá trị. Bên cạnh việc xuất khẩu vũ khí, Pháp cũng tích cực viện trợ các vũ khí của mình tới Ukraine để quảng bá hình ảnh, trong đó nổi tiếng nhất là hệ thống pháo tự hành Caesar.
Để đối trọng lại với những vũ khí hiện đại mà phương Tây viện trợ cho Ukraine, Nga cũng tích cực đưa ra chiến trường những vũ khí tiên tiến mới. Để “đọ sức” với hệ thống pháo tự hành Caesar, Nga cho ra mắt loại lựu pháo tự hành bánh hơi hiện đại mới có tên là Malva. Theo hãng thông tấn Tass, các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước đối với pháo tự hành 152mm 2S43 Malva đã hoàn thành.
Hình ảnh đầu tiên của lựu pháo tự hành Malva xuất hiện vào tháng 10/2019. Năm 2020, hệ thống pháo tự hành Malva lần đầu tiên được Viện Nghiên cứu Trung tâm Burevestnik chính thức giới thiệu.
Pháo tự hành Caesar của Pháp.
Theo các chuyên gia, hiện nay pháo tự hành đang trở thành xu hướng được ưa chuộng sử dụng trong các cuộc xung đột. Khi di chuyển trên đường trường, phiên bản bánh lốp sẽ có lợi thế lớn về khả năng cơ động so với xe bánh xích. Khung gầm có bánh xe cũng giúp giảm chi phí lắp đặt và kéo dài tuổi thọ của vũ khí.
Pháo tự hành bánh lốp Malva được trang bị lựu pháo 2A64 152 mm, tương tự như loại được lắp đặt trên pháo tự hành bánh xích Msta-S. Malva được thiết kế để tiêu diệt nhiều loại mục tiêu từ sinh lực đối phương đến các thiết bị quân sự và cả vũ khí hạt nhân chiến thuật ở khoảng cách lên tới 24km. Chiếc xe được thiết kế để có thể chở 30 quả đạn pháo các loại.
Pháo tự hành 2S43 Malva của Nga.
Hệ thống pháo Malva được chế tạo trên khung gầm của xe tải BAZ-6910. Trọng lượng của nó là 21 tấn, trọng tải là 19,41 tấn. Xe được trang bị động cơ 470 mã lực cho tốc độ tối đa lên tới 80 km/h, phạm vi hoạt động tối đa 1.000 km.
Việc giảm trọng lượng đáng kể nhờ thiết kế loại bỏ tháp pháo và áo giáp tại vị trí lắp đặt pháo, cho phép pháo tự hành Malva có thể được vận chuyển bằng máy bay vận tải quân sự như Il-76.
Nhiều khả năng trong tương lai, 2S43 Malva là sự thay thế cho pháo tự hành bánh xích 2A65 Msta-B và 2S1 Gvozdika. Theo Tướng Andrey Serdyukov, Tư lệnh Lực lượng đổ bộ đường không Liên bang Nga, nếu quyết định trang bị pháo tự hành Malva cho các đơn vị sớm được thông qua, loại vũ khí mới này sẽ được biên chế cho một lữ đoàn pháo binh chuyên trách.
Pháo tự hành 2S43 Malva thực hành bắn.
Giới phân tích cho rằng vũ khí Nga nói chung và lựu pháo tự hành Malva nói riêng rất mạnh về hỏa lực khi sở hữu sức công phá lớn. Trong chiến đấu hiện đại, vũ khí chỉ có thể được coi là hiệu quả khi kết hợp sức mạnh của hỏa lực với hệ thống điện tử tiên tiến giúp đạt độ chính xác cao trong từng phát bắn.
Tuy nhiên, hệ thống điều khiển hỏa lực điện tử trang bị cho pháo tăng thiết giáp và cơ giới chưa bao giờ là thế mạnh của Nga so với phương Tây. Vì vậy, còn quá sớm để khẳng định rằng lựu pháo tự hành Malva của Nga có thể đạt được tính năng tương đương với lựu tự hành Caesar do Pháp sản xuất.
Để đánh giá hiệu quả của một loại vũ khí phải dựa trên hiệu suất chiến đấu thực tế, điều mà lựu pháo Caesar đã làm rất tốt trong thời gian gần đây. Trong khi đó, Malva của Nga vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa được sản xuất hàng loạt để phục vụ chính thức.