Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Cả làng ở Vĩnh Phúc kiếm sống bằng nghề nuôi rắn tử thần

(VTC News) -

Nhiều năm qua, người dân xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bất chấp nguy hiểm để nuôi rắn hổ mang và truyền nghề từ đời này qua đời khác.

Làng nghề nuôi rắn Vĩnh Sơn có tới hơn 800 hộ nuôi rắn độc (chiếm gần 60% số hộ trong xã). Ngoài các sản phẩm là rắn hổ mang thương phẩm và rắn hổ mang sinh sản, các thương lái còn về làng thu mua rắn hổ mang về chế biến rượu rắn, cao rắn, xác rắn lột làm thuốc chữa bệnh.

Ông Phạm Văn Hùng (thôn 2, Vĩnh Sơn, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), có gần 30 năm kinh nghiệm nuôi rắn. Hiện tại gia đình ông Hùng đang nuôi khoảng 300 con rắn hổ mang bành. "Với sản phẩm chính là rắn thương phẩm và rắn sinh sản thì Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính của gia đình tôi, do đó giá của rắn phụ thuộc nhiều vào thị trường này. Vào thời điểm cao nhất, rắn thương phẩm có thể lên đến 700.000 - 800.000 đồng/kg, trứng là 170.000 đồng/quả. Tuy nhiên hiện tại giá trứng rắn chỉ dao động 50.000 - 70.000 đồng/quả, rắn thương phẩm 500.000 - 700.000 đồng/kg", ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, nghề nuôi rắn xuất hiện cách đây khoảng hơn 50 năm, ban đầu người dân vào rừng bắt rắn về lấy thịt hoặc mang đi bán kiếm tiền, dần dần nguồn rắn tự nhiên ít đi, sau đó nhiều người nảy ra ý tưởng bắt chúng về nuôi.

Công việc nuôi rắn không quá khó, chuồng trại chăn nuôi cũng không tốn quá nhiều diện tích, hộp nuôi rắn chỉ cần hầm hình hộp hoặc đựng ốp bằng mấy hàng gạch (cao khoảng 30 - 40cm), bên ngoài lồng rắn cửa được làm bằng gỗ. 4 - 5 ngày rắn sẽ được cho ăn một lần thức ăn gồm vịt con, gà, chim, cóc...

Theo ông Hùng, rắn hổ mang bành thường đẻ trứng 1 lần/năm vào mùa hè. Trung bình trong 1 lồng nuôi, 1 con rắn cái sẽ kèm 1 con rắn đực, nhưng để tăng hiệu quả kinh tế tăng cao, người dân sẽ nuôi nhiều rắn cái ghép với rắn đực hơn. Còn nếu muốn ổ trứng chất lượng hơn, người nuôi sẽ chỉ ghép 1 cặp. Trung bình 1 ổ trứng rắn sẽ có 20 - 25 quả, một số con rắn to sẽ cho năng suất 40 - 50 quả", ông Hùng nói.

Dù đem lại nguồn giá trị kinh tế lớn nhưng nghề nuôi rắn luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, tính mạng của người nuôi luôn đặt trong trạng thái nguy hiểm. "Tôi cũng đã từng bị rắn cắn hai lần, khiến phần ngón tay không thể cử động bình thường. Các hộ nuôi rắn trong làng cũng có những bài thuốc gia truyền để lại nhưng thoát được cái chết do rắn cắn cũng chỉ là may mắn", ông Hùng chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thu, người có 25 năm kinh nghiệm nuôi rắn, nói: "Hiện nay gia đình tôi đang nuôi khoảng 2.000 con rắn, gồm rắn thương phẩm và rắn sinh sản, để bán và xuất khẩu trong nước, thị trường chủ yếu là Trung Quốc".

Để có môi trường giúp rắn sinh trưởng tốt, từ 1 tuần đến 10 ngày chị Thu phải thường xuyên dọn dẹp chuồng cung cấp nước để tạo độ ẩm cho môi trường luôn mát mẻ giúp rắn phát triển tốt.

1 con rắn phải mất 2 năm mới có thể lấy thịt, đối với rắn lấy trứng có thể phải nuôi trong vòng 5 - 7 năm nếu cho năng suất trứng tốt.

Chị Thu cho biết không ít lần bị con vật này cắn, khiến người phụ nữ mất 2 đốt ngón tay. "Thế vẫn còn may, nhiều người trong làng còn cụt tay, cụt chân, thậm chí tử vong", chị Thu kể.

Người nuôi rắn Vĩnh Sơn luôn chuẩn bị dây thun, garo để đề phòng khi bị rắn cắn, tránh nọc rắn không chạy vào nội tạng. Trong trường hợp bị nặng hơn, phải xuống trạm xá hoặc bệnh viện để điều trị.

Bản tính của loài rắn cũng như nhiều loài bò sát là cứ đến mùa đông, loài rắn sẽ vào trạng thái ngủ đông. Người nuôi sẽ dừng cho rắn ăn vào cuối tháng 11 và cho ăn lại khi vào mùa xuân.

Minh Đức

Tin mới