Theo Reuters, núi lửa Sakurajima phun trào tạo cột khói đen bốc cao trên không trung, nhưng cơ quan chức năng chưa ghi nhận thông tin về thiệt hại hoặc thương tích nào. Ngọn núi nằm ở mũi phía nam của Kyushu, gần thành phố Kagoshima, phun trào vào khoảng 8:05 tối, giờ địa phương.
Một hình ảnh camera từ xa cho thấy vụ phun trào của Sakurajima ở Tarumizu, tỉnh Kumamoto, miền tây Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/Reuters)
Một quan chức của Cơ quan khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết những viên đá lăn xuống ở khoảng cách 2,5 km từ núi lửa. Ông nói thêm, mức cảnh báo phun trào đã được nâng lên 5, mức cao nhất, và một số khu vực được khuyến cáo nên sơ tán, nhưng cơ quan chức năng dự kiến sẽ không có vụ phun trào lớn nào.
Sakurajima là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở Nhật Bản và các vụ phun trào ở các cấp độ khác nhau diễn ra thường xuyên. Vào năm 2019, ngọn núi phun ra khối tro bụi cao 5,5 km.
Ngoài ra, các nhà quản lý hạt nhân cho biết không có bất thường nào được phát hiện tại nhà máy nguyên tử Sendai, nằm cách núi lửa khoảng 50 km. JMA dự kiến sẽ có mưa ở một số khu vực gần núi lửa vào 25/7, nhưng không phải là loại mưa lớn có thể gây ra lở đất.
Theo NHK, hầu hết thành phố Kagoshima nằm xa núi lửa nhưng một số khu dân cư cách miệng núi lửa khoảng 3 km có thể được lệnh sơ tán tùy tình hình.
Núi lửa Sakurajima là trung tâm hoạt động của khu phức hợp núi lửa Aira caldera. Nằm trên vịnh Kagoshima, đỉnh của nó chỉ cách 8 km về phía đông của thành phố Kagoshima với dân số nửa triệu người.
Do khả năng phun trào, nó được coi là một ngọn núi lửa rất nguy hiểm và được giám sát chặt chẽ. Các vụ phun trào lịch sử lớn nhất của Sakurajima diễn ra trong khoảng thời gian năm 1471-76 và vào năm 1914.