Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Nông dân mặc áo mưa, dầm mình giăng lưới thu hoạch cá chép đỏ

(VTC News) -

Trong những ngày giá rét, người dân làng Thủy Trầm phải mặc quần áo mưa, đi ủng cao để dầm mình dưới nước cả ngày thu hoạch cá chép đỏ phục vụ ngày Tết ông Táo.

Video: Nông dân mặc áo mưa, đi ủng cao, dầm mình lội bùn thu hoạch cá chép đỏ

Làng Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, là một trong những vựa cá chép đỏ lớn nhất miền Bắc. Từ khoảng 20 đến trước 23 tháng Chạp hàng năm, ngôi làng này vào mùa thu hoạch.

Ghi nhận của PV ngày 30/1 (tức 20 tháng Chạp), người dân làng Thủy Trầm bắt đầu kéo cá để giao cho lái buôn từ các tỉnh miền Bắc… Thời tiết lạnh giá, người nông dân lội dưới bùn phải trang bị quần áo mưa, ủng để thuận tiện cho việc tát ao, quây lưới bắt cá chép đỏ.

Ông Nguyễn Huy Luận, cho biết, năm nay nhà ông nuôi cá chép đỏ trên diện tích khoảng hơn 4.000m2. Thời tiết thuận lợi nên cá chép đỏ sinh trưởng rất tốt, cho năng suất cao.

Theo ông Luận, sản lượng ao cá nhà ông thu hoạch được trên 1 tấn, giá bán tại ao 80.000 đồng/kg. Dự kiến, số tiền thu về khoảng 80 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, gia đình ông lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng, tốt hơn nhiều so với trồng lúa. 

Theo ông Luận, để có được những con cá chép đẹp, đạt tiêu chuẩn, từ đầu năm, ông đã phải chọn những con cá bố, mẹ có màu sặc sỡ, khỏe mạnh. Sau khi cá bố mẹ sinh sản, cá giống được nuôi từ tháng 6. Người nuôi phải cân đối thức ăn, thời gian, chất lượng nước ao... để đến khi cá thu hoạch có kích cỡ khoảng 3 ngón tay là đẹp, to hay nhỏ hơn đều không chuẩn.

Ông Luận chia sẻ, nuôi cá chép đỏ sợ nhất là ao bị lẫn cá sộp. Đây là loài cá ngoại lai, nếu lọt vào ao chúng sẽ ăn thịt cá chép, gây thiệt hại rất lớn. "Năm vừa qua, chúng tôi phải rào chắn bờ cao, thường xuyên chú ý và thả mồi để bắt riêng những con cá sộp này", ông Luận cho hay.

Cá làng Thủy Trầm nuôi đến khi thu hoạch, kích cỡ vừa phải, bơi khỏe, vẩy ánh đẹp, có râu hai bên nên được thị trường ưa chuộng.

Cá sau khi được vớt lên sẽ được phân loại, đưa ra khu vực quây lưới đặt dọc các bờ kênh.

Chị Hoàng Thị Thùy Dung (30 tuổi, người nuôi cá) chia sẻ: "Làng Thủy Trầm được nguồn nước ưu ái nên cũng từ một giống cá chép đỏ, nếu nuôi trong thôn sẽ có màu đẹp hơn nơi khác. Cá có năm được giá, có năm thấp, người nuôi chịu lỗ, nhưng đã là nghề rồi nên kiểu gì chúng tôi vẫn làm để giữ nghề.

"Nhà tôi năm nay thu hoạch được khoảng 1 tấn cá chép đỏ nhưng lái buôn mới đặt 20%. Chúng tôi hy vọng, trong một, hai ngày tới giá cá sẽ khởi sắc để người nông dân có một cái Tết ấm no. Cả năm làm lụng vất vả, chúng tôi chỉ đợi mỗi dịp này”, chị Dung hy vọng.

Ông Bùi Đình Chữ, Trưởng làng nghề sản xuất cá chép đỏ Thủy Trầm, cho biết, hiện trên địa bàn đang có 146 hộ nuôi cá chép đỏ, sản lượng thu hoạch dự kiến 45 tấn. Những năm trở lại đây, để nghề nuôi cá phát triển, các hộ gia đình trong làng đã tích cực dồn điền, đổi thửa, xây bờ ao, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật theo hướng công nghiệp. Nhờ vậy, năng suất và sản lượng ngày một tăng.

“Những năm trước, giá 1kg cá thành phẩm từ 100.000 - 120.000 đồng nhưng năm nay chỉ được khoảng 80.000 - 100.000 đồng. Tất nhiên, đây là giá cá ở làng nghề chúng tôi, còn con cá chép đỏ đưa đi các nơi khác có thể bán giá gấp đôi, gấp 3 tùy thị trường”, ông Chữ nói. 

Ngô Nhung

Tin mới