Với đa số người tiêu dùng, dâu tây vốn là loại trái cây có giá cao. Chính vì vậy, việc các gánh hàng rong bày bán mặt hàng này với mức giá thấp khiến nhiều người cảm thấy bất ngờ, thậm chí là lo ngại.
Một số cá nhân, tổ chức đã đặt nghi vấn về nguồn gốc của loại dâu tây này và cho rằng chúng có thể được nhập từ Trung Quốc. Tuy nhiên, sự thật là đa số dâu tây giá rẻ đang có mặt trên thị trường đều có xuất xứ từ Sơn La.
Dâu tây Sơn La chưa bao giờ có giá lên tới hàng trăm nghìn đồng/kg. Ảnh: NVCC.
Doanh số bán hàng của người dân địa phương đã sụt giảm nặng nề ngay sau khi các thông tin tiêu cực về mặt hàng dâu tây xuất hiện trên Internet. Nhiều nông dân đang đối mặt với nguy cơ “mất trắng” vì sự quay lưng vội vàng của người tiêu dùng.
80 nghìn đồng/kg là giá của những trái dâu tây được bày bán ngoài chợ. Đây là mức giá thấp chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Ông Nguyễn Văn Thụy, Giám đốc hợp tác xã dâu tây Ichi Farm, cho biết sản lượng dâu tây Sơn La năm nay lớn hơn mọi năm vì nông dân trồng được mùa.
Những lô hàng dâu tây được sắp xếp để vận chuyển lên các chợ đầu mối tại Hà Nội. Ảnh: NVCC.
“Dâu tây Sơn La đang vào lứa hoa rộ. Thời tiết lúc đầu không ủng hộ nhưng do nắng lâu ngày nên dâu chín rất nhanh. Nhiều hộ dân thậm chí còn không kịp hái”, ông Thụy chia sẻ.
Ngoài ra, ông còn cho biết nông dân thu về lợi nhuận khá tốt trong năm ngoái. Chính vì vậy, họ đã trồng nhiều hơn 4-5 lần trong năm nay. Điều này khiến sản lượng dâu tây được bán ra ngoài thị trường tăng cao.
Lý giải về mức giá rẻ của mặt hàng này, ông Thụy cho rằng đây là vấn đề xuất phát gián tiếp từ thời hạn sử dụng của trái dâu tây.
“Đây là mặt hàng khó bảo quản và chỉ đạt trạng thái tốt nhất khi sử dụng trong ngày. Vì vậy, để tránh tình trạng bị ế, người bán sẽ phải hạ giá để đẩy hàng càng nhanh càng tốt”, Giám đốc hợp tác xã dâu tây Ichi Farm bình luận.
Trong khoảng thời gian gần đây, những thông tin tiêu cực về dâu tây đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân địa phương. Nhiều hộ chưa kịp thu hồi vốn, thậm chí là lỗ nặng, khi doanh số bán hàng trì trệ chỉ sau một ngày.
“Cuộc sống của người dân trông cậy hết vào trái dâu tây. Đơn vị tôi trước kia bán được 30 tấn/ngày. Sau khi các tin tức nghi ngờ về xuất xứ được đăng tải, con số sụt giảm chỉ còn 10-15 tấn/ngày. Tình trạng bán hàng rất chậm”, ông Thụy cho biết.
Hiện hợp tác xã dâu tây của ông Thụy chỉ nhận 10 tấn/ngày do hàng không bán được nhiều. Một số nông dân ngán ngẩm, không muốn hái dâu vì biết rằng giá bán sẽ không bù lại được chi phí nhân công, vận chuyển, cước xe, phí thuê chỗ bán…
Theo người đứng đầu một trong những hợp tác xã dâu tây lớn nhất Sơn La, dâu tây tại địa phương chủ yếu được mang đến chợ đầu mối ở Long Biên và một số cửa hàng hoa quả trên Hà Nội. Ngoài ra, ông cũng khẳng định dâu tây Sơn La không bao giờ có giá cao lên tới 200.000-300.000 đồng/kg như một số thông tin đã đăng tải.
“Năm ngoái, giá những trái dâu to khoảng 70.000-80.000 đồng/kg. Đối với những quả nhỏ sẽ dao động 30.000-40.000 đồng/kg. Hiện tại, những quả đẹp, to có giá khoảng 26.000 đồng/kg, quả bé giá tầm 15.000-20.000 đồng/kg”, ông Thụy chia sẻ về giá dâu tây.
Không chỉ vậy, ông còn cho rằng dâu tây Trung Quốc có nhiều khác biệt so với dâu tây Sơn La từ hình thức cho đến chất lượng.
Cụ thể, dâu tây Sơn La chín nhanh, không bảo quản được lâu, chất lượng sẽ đi xuống sau một ngày và bắt buộc phải bảo quản trong tủ mát. Ngược lại, dâu tây Trung Quốc có thể để trong môi trường ngoài trời 2-3 ngày mà vẫn giữ được độ căng mọng.
“Dâu Sơn La được hái từ hôm trước và được chuyển đến Hà Nội ngay trong đêm để bán vào sáng hôm sau. Trong quá trình bảo quản, dâu sẽ chảy nước và bị hỏng nếu không cất giữ trong tủ mát”, ông Thụy cho biết.
Bên cạnh đó, dâu tây Trung Quốc sẽ có phần quả cứng và dài hơn. Còn phần cuống sẽ tươi và to hơn khi so với dâu tây Sơn La.