Những kỷ vật lịch sử vô giá gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ hào hùng.
Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Đó là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược, là mốc son chói lọi của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "... Điện Biên Phủ như là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử. Nó ghi rõ nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã, đồng thời phong trào giải phóng dân tộc khắp thế giới đang lên cao đến thắng lợi hoàn toàn".
Điện Biên Phủ là thung lũng lòng chảo rộng lớn ở phía Tây vùng núi Tây Bắc, có chiều dài khoảng 20 km, rộng từ 6-8km; cách Hà Nội khoảng 200km, cách Luang Prabang (Lào) khoảng 190km theo đường chim bay. Theo đánh giá của tướng H.Navarre và các nhà quân sự Pháp - Mỹ thì “Điện Biên Phủ là một vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả Đông Nam Á, nằm trên trục giao thông nối liền các miền biên giới của Lào, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar) và Trung Quốc”. "Điện Biên Phủ là cánh đồng rộng lớn nhất, đông dân và giàu có nhất vùng Tây Bắc". Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong những năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của ta.
Tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, những kỷ vật trưng bày tại phòng chiến thắng Điện Biên Phủ đã kể lại chiến thắng vang dội của lịch sử Việt Nam. Trong ảnh, người dân đang xem lại danh sách 32 cán bộ chiến sĩ thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Nắp của loại xe tăng 18 tấn do Mỹ sản xuất, trang bị cho quân đội Pháp bị bộ đội Việt Nam bắn cháy tại đồi A1, ngày 6/5/1954 và súng phun lửa do Mỹ sản xuất, viện trợ cho quân đội Pháp, bị bộ đội Việt Nam thu được tại đồi C2 (phía đông Mường Thanh, Điện Biên Phủ) ngày 6/5/1954.
Trong ảnh là các hiện vật sau: Súng trường của chiến sĩ Lộc Văn Thông thuộc Trung đoàn 165, Đại đoàn 312 sử dụng cùng các vũ khí khác bắn tỉa diệt 30 tên lính Pháp ở cứ điểm 105, từ ngày 30/3 - 16/4/1954; Súng trường của chiến sĩ Đoàn Trương Lít thuộc Đại đội 395, Trung đoàn 36, Đại đoàn 308 sử dụng bắn tỉa 9 phát, diệt 9 lính Pháp ở cứ điểm 206 Điện Biên Phủ, ngày 19/4/1954; Súng trường của chiến sĩ Đại đội 213, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 thu được của quân đội Pháp, sử dụng bắn tỉa 5 phát, diệt 5 tên địch ở phía Tây sân bay Mường Thanh, ngày 20/4/1954; Võng bộ đội Việt Nam làm từ sợi dù thu được của quân đội Pháp tại mặt trận Điện Biên Phủ, năm 1954...
Từ trái sang phải gồm: Cặp da chiến sĩ Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 thu được của tướng Đờ Cát-xtơ-ri tại Điện Biên Phủ, năm 1954. Tiếp đó là cầu vai, phù hiệu, cuống huân huy chương được bộ đội Việt Nam thu được của sĩ quan, binh lính Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954. Bên cạnh là súng cối 60mm, bộ đội Việt Nam thu được của quân đội Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.
Vỏ mìn nhảy, máy ngắm tia hồng ngoại, điện thoại, bom bươm bướm.
Súng trường đồng chí Vũ Văn Bồi, du kích xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Côi, Thái Bình sử dụng chiến đấu từ năm 1952 - 1953; Súng trường du kích xã Thủ Sĩ - Tiên Lữ - Hưng Yên thu được của quân Pháp trong trận phối hợp với Trung đoàn 42 chặn đánh quân tiếp viện cho đồn Triều Dương, tháng 5/1954; Mũ sắt du kích xã Đông Phong - Đông Hưng - Thái Bình thu được của quân Pháp trong trận “Cá Măng”, cuối năm 1953; Vỏ mìn nhảy du kích xã Hùng Thắng - Tiên Lãng - Hải Phòng dùng diệt 3 tên lính Pháp ở ngã tư thôn Vấn, ngày 8/4/1954; Dây cáp của Công binh Liên khu V dùng bắc cầu phao cho bộ đội vượt sông diệt quân Pháp ở đồn Măng Đen và giải phóng tỉnh KonTum...
Súng Trung liên của Trung đoàn 101, Đại đoàn 325 thu được của quân đội Pháp trong trận đánh giải phóng Thà Khẹt. Anh hùng Cao Thế Chiến đã sử dụng chúng cùng đồng đội đánh quân Pháp phản kích, diệt 60 tên trong chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954. Trong ảnh còn có nòng súng DKZ bộ đội Việt Nam thu được của quân đội Pháp tại chiến trường Tây Nguyên, năm 1954; Xích xe lội nước do du kích xã Hùng Thắng - Tiên Lãng - Hải Phòng phá huỷ trong trận càn Cờ-lốt (Claude) của Pháp, tháng 8/1953.
Mũ nan của chiến sĩ Trần Can thuộc Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 sử dụng chiến đấu ở cứ điểm Him Lam, điểm cao 501, Đổi C1 từ ngày 13/3/1954; Máy ảnh Zeiss Nikon chiến sĩ Trung đoàn 174, Đại đoàn 316 thu được của Pháp tại đồi A1, ngày 7/5/1954; Súng ngắn trang bị của sĩ quan Pháp tại Điện Biên Phủ.
Lốp ô tô của chiếc xe ô tô mang biển số 5326 do lái xe Nguyễn Văn Toàn thuộc Tiểu đội 9, Trung đội 3, Đại đội 200 dùng vận tải hàng hóa phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954.
Đèn bão, máy điện thoại sử dụng trong sở Chỉ huy Mường Phăng năm 1954. Ngoài ra còn có dây chão kéo pháo của Đại đội 804, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 45, Đại đoàn Công pháo 351 dùng kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954.
Khi đến bảo tàng, khách tham quan được xem sa bàn kết hợp với phim tư liệu để dễ dàng hình dung tổng quan chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Cùng gia đình đang chăm chú theo dõi những thước phim quý về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, anh Lê Đình Vinh (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết rất xúc động khi xem lại những tấm ảnh, kỷ vật và đặc biệt là những thước phim sinh động của quân và dân ta trong chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954).
Dịp này, rất đông người dân, du khách trong và ngoài nước đến xem những kỷ vật trưng bày trong phòng chiến thắng Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Theo một cán bộ đang làm việc tại phòng chiến thắng Điện Biên Phủ, trong suốt từ năm 1956 đến nay, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam không ngừng tìm kiếm, sưu tầm để lưu giữ những hiện vật đặc biệt gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".